Xác định trồng rừng gỗ lớn là hướng đi hiệu quả cho nông dân trên địa bàn, đặc biệt là 7 xã vùng tây, huyện Thăng Bình đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân.
Được trồng từ tháng 4.2019, đến nay, mô hình trồng keo nuôi cấy mô của ông Đoàn Ngọc Hùng (xã Bình Phú) đã đạt chiều cao hơn 3m. Không trồng dày như những cánh rừng xung quanh, rừng keo của ông Hùng được trồng thưa hơn, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m.
Ông cho hay, nhờ trồng thưa như vậy mà nhìn hàng lối cây đẹp hơn, dễ phát tỉa, lại không lo gió bão gây đổ ngã. Đây là mô hình trồng rừng gỗ lớn đầu tiên của xã Bình Phú áp dụng phương thức, kỹ thuật mới. Thay vì chọn các giống keo truyền thống, được sự khuyến khích, hỗ trợ của địa phương về giống, kỹ thuật, ông Hùng mạnh dạn thay đổi tập quán trồng rừng cũ. Nhìn những hàng keo thẳng tắp, phát triển như hiện nay, ông cho biết hướng đi này đang mang lại hiệu quả tích cực, tốc độ sinh trưởng nhanh gấp 3 lần với cách trồng thông thường.
Theo ông Lê Văn Hùng (cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình), đơn vị đã triển khai kế hoạch trồng rừng đến từng địa phương, sau đó họp dân để đăng ký trồng rừng. Đặc biệt, tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn theo quy định. Lâu nay, nhân dân địa phương đã quen trồng rừng với mật độ cao, chu kỳ 5 năm khai thác. Tuy vậy, hiệu quả không cao.
“Chúng tôi hướng bà con đến các loại giống cây đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng như keo cấy mô, giống có nguồn gốc từ Úc, không nên chọn những giống trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt, lưu ý về mật độ 1.650 - 2.500 cây/ha. Bà con vẫn cứ quen trồng với mật độ 5.000 - 7.000 cây/ha, như vậy rừng cho sinh khối không cao” - ông Hùng cho biết.
Năm nay, huyện Thăng Bình dự kiến trồng 300ha rừng gỗ lớn. Diện tích này được giao cho 7 xã cánh tây, 2 xã cánh trung gồm Bình An, Bình Quý và Trung đoàn 143, Công ty CP Lâm nghiệp Quảng Nam. Trong đó, đơn vị được giao nhiều nhất là 50ha, ít nhất là 10ha. Nếu hoàn thành kế hoạch này, giai đoạn 2019 - 2020, Thăng Bình trồng được 515ha rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhận thấy hiệu quả trồng rừng gỗ lớn có thể gấp 3 - 4 lần so với trồng rừng theo kiểu cũ, cùng với những chính sách của tỉnh, địa phương có 2 nghị quyết để hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn. Trong đó, đối với các xã vùng tây, huyện hỗ trợ 4 triệu đồng/ha theo Nghị quyết về phát triển kinh tế 7 xã vùng tây. Các địa phương còn lại thì sẽ áp dụng theo Nghị quyết về tích tụ tập trung ruộng đất, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha. Qua đó, khuyến khích nông dân thay đổi phương thức trồng rừng.
“Lâu nay, nhân dân trồng rừng 4 - 5 năm thì khai thác, bây giờ thời gian kéo dài hơn, sẽ có nhiều hộ còn e dè trước hướng đi này. Bởi vậy, ngoài hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, chúng tôi sẽ triển khai những mô hình thực nghiệm. Hiệu quả của các cánh rừng gỗ lớn sẽ là minh chứng thực tế để người dân tự thay đổi thói quen trồng rừng. Và chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc khai thác bán dăm gỗ mà mở rộng ra xuất bán để làm gỗ mỹ nghệ, gỗ xuất khẩu, giá trị tăng hơn nhiều” - ông Hương cho biết.