Thăng Bình hướng đến huyện nông thôn mới

VIỆT NGUYỄN 06/01/2023 11:13

Sắp hoàn thành 100% số xã về đích nông thôn mới, huyện Thăng Bình đang hướng đến mục tiêu huyện nông thôn mới trong thời gian đến.

Trồng tiêu đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Nguyễn Quý (bìa phải). Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Trồng tiêu đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông Nguyễn Quý (bìa phải). Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Điểm sáng Bình Quế

Bình Quế, Bình Lãnh, Bình Nam là 3 xã sau cùng của huyện Thăng Bình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, các xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, UBND huyện Thăng Bình sẽ trình UBND tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn trong thời gian tới.

Thời gian qua, UBND xã Bình Quế tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Cụ thể, việc liên kết sản xuất lúa giống được triển khai hiệu quả với khoảng 10ha ở thôn Bình Hội, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho 20 hộ dân tham gia.

Sản phẩm hồ tiêu ở địa phương cũng được truy xuất nguồn gốc gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và chứng nhận VietGAP. Hộ ông Nguyễn Quý (thôn Bình Quang, xã Bình Quế) trồng 350 trụ tiêu trên diện tích 1.800m2, mỗi năm thu hoạch được 500kg tiêu khô, thu nhập hơn 50 triệu đồng.

“Hồ tiêu là loại cây thích hợp với ánh nắng tán xạ nên rất hợp khi trồng bám vào trụ cây sống. Quy trình trồng, chăm sóc, bón phân đều bài bản, theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP” - ông Quý nói.

Người dân Thăng Bình đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân Thăng Bình đầu tư xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo ông Nguyễn Thái Hậu - Chủ tịch UBND xã Bình Quế, triển khai cơ chế hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân vùng tây huyện Thăng Bình, trên địa bàn xã có 9 hộ trồng tiêu và 2 hộ chăn nuôi bò, nuôi lươn được hỗ trợ hàng chục triệu đồng để đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn, phân bón, chỉnh trang vườn tược, đầu tư hệ thống nước tưới, thiết bị phục vụ chăn nuôi.

Đó cũng là nguồn lực lớn để thúc đẩy xây dựng NTM của xã. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân xã Bình Quế hơn 47 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,35%. Kinh tế của xã tăng trưởng khá, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tăng lên rõ rệt.

Hướng đến huyện NTM

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, bắt tay xây dựng NTM từ năm 2011, xuất phát điểm của địa phương thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất chưa bài bản. Đến nay, diện mạo làng quê nông thôn thay da đổi thịt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng đồng bộ, tạo động lực phát triển.

Đến nay, Thăng Bình có hệ thống giao thông nội đồng rộng khắp đã được bê tông hóa. Hệ thống kênh mương thủy lợi được kiện toàn, chủ động canh tác lúa, hoa màu. Điểm nhấn về kinh tế là huyện đã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng các sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu, phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm. Các hợp tác xã trên địa bàn đã thực sự là “bà đỡ” giúp nông dân sản xuất theo hướng cơ giới hóa, nâng cao sản lượng, năng suất cây trồng, con vật nuôi.

Sắp sửa hoàn thành 100% xã về đích NTM, Thăng Bình lên kế hoạch xây dựng huyện NTM, kiên trì xây dựng các xã NTM nâng cao, các thôn NTM kiểu mẫu. Đích hướng đến là hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn hoàn thiện; hệ thống giao thông, thủy lợi được cải tạo, nâng cấp; công sở, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa khang trang hơn; tỷ lệ hộ nghèo giảm; chất lượng giáo dục nâng cao; cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, địa phương chú trọng xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, hiệu quả vì lợi ích của người dân. Huyện ưu tiên nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện tích hợp, lồng ghép nguồn vốn một số chương trình, đề án liên quan để triển khai hiệu quả xây dựng NTM.

“Địa phương tập trung nguồn lực phát triển nhanh các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững. Đặc biệt, chuyển đổi số trong quản lý đất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với cảnh báo dịch bệnh, dự báo thị trường. Chúng tôi triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ” - ông Phan Công Vỹ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình hướng đến huyện nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO