Trong khi chuyện “xin nghèo” thời gian qua làm các địa phương đau đầu thì 2 năm gần đây nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện
Chị Võ Thị Hòa với quầy hàng ở chợ.Ảnh: G.Biên |
Theo ông Đinh Văn Đoàn - Bí thư Chi bộ thôn Bình Xá, những năm trước, khi thực hiện việc bình xét hộ nghèo, cận nghèo thực sự là nổi ám ảnh đối với bản thân ông cũng như những người làm cán bộ thôn. Các cuộc họp đều được tổ chức công khai, dân chủ, nhưng rồi kết quả vẫn khiến nhiều hộ không mấy hài lòng. Các hộ được đề nghị đưa ra khỏi danh sách nghèo còn tỏ ra bất bình vì cho rằng như thế là làm mất quyền lợi (được hưởng các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo) của họ. Nhiều hộ đã có đủ điều kiện thoát nghèo, thôn họp cho ra khỏi danh sách thì xin cho được ở lại hộ nghèo... Và điều bất ngờ đã đến với Bình Xá, khi mới đây có 6 hộ trong thôn tự nguyện xin thoát nghèo. Trong câu chuyện với chúng tôi, đây có lẽ là niềm vui mà cả cuộc đời hơn 20 năm làm công tác thôn, ông Đinh Văn Đoàn mới có được nụ cười mãn nguyện.
Sáu gia đình xin ra khỏi danh sách hộ nghèo lần này không phải vì mặc cảm, không phải do ép buộc, mà là trong từng ấy năm thuộc hộ nghèo, nhận nhiều chính sách của Nhà nước, gia đình họ đã biết tính toán làm ăn. Đến nay, điều kiện sống đã ổn định, ý thức được rằng còn có nhiều gia đình đang khó khăn cần được sự tiếp sức của Nhà nước nên họ xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Gia đình chị Võ Thị Hòa là một trong những trường hợp như thế. Ba năm trước, chồng qua đời vì bệnh tim, chị Hòa phải một mình bươn chải nuôi 2 đứa con ăn học, cuộc sống khá khó khăn, vất vả. Hằng ngày, từ lúc 3 giờ sáng, chị lặn lội từ thôn Bình Xá xuống tận chợ Quán Gò (7km) để lấy cá, thịt, rau, củ quả về cho kịp phiên chợ sớm. Các con chăm ngoan, học giỏi (con gái lớn học lớp 10 trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Tam Kỳ; đứa con nhỏ học lớp 4) vừa là động lực vừa là điều kiện để chị yên tâm bươn chải. Ngoài việc buôn bán ở chợ, chị Hòa còn làm cộng tác viên cho một công ty bảo hiểm; chị còn hăng hái tham gia công tác phụ nữ ở thôn. Có được công việc, thu nhập ổn định, chị Hòa quyết tâm xin thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị tâm sự: “Tôi được hưởng chính sách hộ nghèo 3 năm rồi. Cuộc sống giờ đã bớt vất vả nên tôi xin thoát nghèo, nhường ưu đãi cho những người khó khăn hơn”. Hay như ông Nguyễn Phi Dũng, người đầu tiên xung phong xin thoát nghèo lần này, cũng vốn có hoàn cảnh khá khó khăn. Ông có 4 người con. Cách đây 5 năm, đứa con trai thứ trong một lần đi chơi, gây gổ đánh nhau chẳng may bị thương tật vĩnh viễn hơn 70%, thần kinh không ổn định. Vợ chồng già yếu lại phải chăm lo đứa con tật nguyền. Năm 2012, ông Dũng được Nhà nước hỗ trợ xây nhà ở, cho 1 bò cái sinh sản. Tất cả những gì ông có được cũng nhờ vào chính sách hỗ trợ hộ nghèo. Nay gia đình đã tương đối ổn định, ông Dũng xin được rút khỏi danh sách hộ nghèo. “Năm nay làm ăn cũng được rồi nên tôi xin ra thoát nghèo; nhiều người còn khổ hơn mình đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước” - ông Dũng nói.
Xã Bình Quế có hơn 8.000 dân, là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Thăng Bình: 25,46%. Kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn nhất là vùng không chủ động được nước tưới, ruộng đất bỏ hoang, mà nhân dân lại không có đất sản xuất. Lao động ở địa phương dư thừa, thiếu công ăn việc làm. Đó là những khâu trở ngại trong tiến trình giảm tiêu chí nghèo xuống còn 5% vào năm 2017. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, xã Bình Quế cần có giải pháp cụ thể, động viên khuyến khích hộ nghèo tự lực vươn lên, có như vậy mới đạt mục tiêu đề ra.
GIANG BIÊN