Bệnh lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra trên địa bàn huyện Thăng Bình ở thời điểm trước và sau Tết Kỷ Hợi. Hiện nay 13 tỉnh, thành cả nước phát sinh thêm dịch tả heo châu Phi, nguy cơ lây lan cao. Là địa phương có tổng đàn gia súc tương đối lớn, Thăng Bình đang triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh.
|
Cán bộ thú y địa phương phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường. Ảnh: BIÊN THỰC |
Nhiều khó khăn
Bình Giang là địa phương đầu tiên của huyện Thăng Bình xuất hiện bệnh LMLM trên đàn heo từ trước Tết Kỷ Hợi. Sau tết, bệnh lại xuất hiện cho đến ngày 28.2.2019 trên tổng cộng 60 con heo các loại. Tổng trọng lượng heo tiêu hủy gần 1 tấn. Theo ông Võ Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Giang, bệnh LMLM xuất hiện ở địa phương, mặc dù đã được khống chế không để lây lan diện rộng, nhưng khi một số tỉnh phía Bắc xuất hiện dịch tả heo châu Phi thì địa phương thêm lo lắng cho công tác phòng ngừa và nhiều vấn đề khác. Bởi trước đó khi có bệnh LMLM xuất hiện trên đàn vật nuôi, cán bộ thú y thôn báo với chính quyền địa phương. Khi cán bộ xã đến vận động các hộ buộc phải tiêu hủy thì rất khó khăn. Các hộ chăn nuôi hầu hết đòi cơ chế hỗ trợ mới cho tiêu hủy. Theo công điện số 02/CĐ-UBND ngày 6.3.2019 của UBND tỉnh về kinh phí thực hiện phòng, chống dịch bệnh ở heo, ngoài thực hiện theo Quyết định số 1212 thì công điện quy định, đối với kinh phí hỗ trợ cho người chăn nuôi trong trường hợp phát hiện heo thịt mắc bệnh LMLM buộc phải tiêu hủy, yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với xã có dịch trong thời điểm xảy ra dịch. Mặc dù các ngành chức năng đã lấy mẫu bệnh và kết luận dương tính, nhưng với công điện này thì chỉ hỗ trợ đối với heo thịt mà không hỗ trợ heo nái, nên thực hiện rất khó khăn. Trong khi đó, Bình Giang là địa phương giáp ranh với nhiều vùng khác, nguy cơ lây lan bệnh trên đàn vật nuôi rất lớn.
Tại xã Bình Định Bắc, ở thời điểm này, công tác tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi đang được tiến hành. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là thiếu nguồn vắc xin tiêm phòng và hóa chất. Vì vậy, công tác tiêm phòng đang chững lại. Địa phương chỉ có 1 cán bộ thú y, do đó khi tổ chức tiêm phòng phải thuê cán bộ thú y từ địa phương khác. Việc không có vắc xin ở thời điểm hiện nay cũng gây khó khăn cho công tác tiêm phòng. Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết: “Địa phương đã đề nghị các ngành chức năng cung ứng nguồn vắc xin sớm để triển khai công tác tiêm phòng. Tiêm vắc xin của năm trước đã hết thời gian miễn dịch, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao, trong khi địa phương có tuyến đường QL14E đi qua, việc mua bán, vận chuyển, giết mổ khó kiểm soát”. Theo ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, việc thiếu vắc xin tiêm phòng là có thật. Kể cả hóa chất cũng chưa có để tiêu độc, khử trùng.
Kiểm soát chặt chẽ
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thăng Bình, bệnh LMLM đã xuất hiện ở các địa phương Bình Giang, thị trấn Hà Lam, Bình Sa và Bình Minh. Thăng Bình đã chỉ đạo các ngành, các địa phương khẩn trương khống chế bệnh, không để bệnh lây lan diện rộng. Đến thời điểm hiện nay, bệnh LMLM không phát sinh thêm.
Còn với dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh, cũng như huyện Thăng Bình nhưng các ngành chức năng ở địa phương vẫn chủ động phòng ngừa. Thăng Bình có tuyến quốc lộ 1 đi qua với hơn 20km, không có chốt kiểm dịch động vật nên rất khó khăn cho công tác quản lý, bởi heo được vận chuyển từ phía Bắc vào và ngược lại. Ông Trần Vũ Bảo - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói: “Công tác tuyên truyền phải đặt lên hàng đầu để người dân nhận biết được bệnh dịch tả heo châu Phi. Khi phát hiện dịch, người dân báo ngay với chính quyền sở tại. Ngoài ra, các địa phương cũng như người dân phải thực hiện nghiêm “5 không” trong chống dịch là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, chết; không vứt ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.
Tại cuộc họp về phòng các loại bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch tả heo châu Phi, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng ngay từ bây giờ, các ngành chức năng của huyện phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển sản phẩm heo trái phép, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến lây lan. Tăng cường vai trò của thú y cơ sở để kịp thời phát hiện bệnh trên đàn heo. Đối với các trường hợp heo nghi mắc bệnh, chết, tuyệt đối phải vận động hộ chăn nuôi tiêu hủy ngay lập tức, không để dân tự ý bán chạy làm bệnh lây lan. Thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên và liên tục. Ở thời điểm hiện nay, các địa phương tích cực tập trung cho công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đối với việc thiếu vắc xin, huyện sẽ mua trong nay mai để cung cấp cho các địa phương, nhất là ưu tiên cấp trước cho các địa phương đã xảy ra bệnh LMLM. Ngoài ra, địa phương nên nhân rộng mô hình dịch vụ thú y trọn gói như ở Bình Tú, Bình Chánh, Bình Sa đã triển khai và đạt hiệu quả. Bởi khi hộ chăn nuôi tham gia dịch vụ này thì được hưởng lợi theo Quyết định số 08 của UBND tỉnh.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC