Năm nay, Thăng Bình đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển khá cao. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng từ 7 - 7,5%; thu ngân sách khoảng 450 tỷ đồng (tăng hơn 90 tỷ đồng so với năm 2021); thêm 3 xã Bình Lãnh, Bình Quế, Bình Nam về đích nông thôn mới (NTM); giảm 75 hộ nghèo...
Thực hiện “nhiệm vụ kép”
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình khẳng định, địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Rất mừng là trong năm 2021, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đạt và vượt so với nghị quyết HĐND huyện đề ra. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 6,57%; thu phát sinh kinh tế vượt 8% kế hoạch tỉnh giao; giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95%; quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng các dự án lớn có nhiều chuyển biến...
“Khẩn trương phục hồi, phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ, du lịch. Để thực hiện các nhiệm vụ này, trước hết phải nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống Covid-19” - ông Vỹ nói.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện Thăng Bình đạt 10.066 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người hơn 44 triệu đồng/người/năm; giảm 274 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều so với năm 2020 (đạt 196% chỉ tiêu nghị quyết, đạt 261% chỉ tiêu tỉnh giao).
Huyện Thăng Bình đang tập trung nhân lực, vật lực để phủ vắc xin Covid-19. Hơn 640 tổ Covid-19 cộng đồng do UBND 22 xã, thị trấn thành lập, hoạt động là chốt chặn tin cậy trong phòng chống Covid-19.
Thiết lập các vùng cách ly y tế trọng phạm vi hẹp nhất, nhanh nhất là cách Thăng Bình khẩn trương thực hiện để không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.
Có mặt tại các doanh nghiệp đóng chân tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục, Thăng Bình), chúng tôi nhận thấy không khí lao động sản xuất đầu năm rất hăng say.
Chị Bùi Tuyết Mai (công nhân làm việc ở Công ty TNHH Dệt may Edward Việt Nam) cho biết, ngay từ mùng 6 tết (ngày 6.2), chị xét nghiệm Covid-19, khi có kết quả âm tính mới yên tâm đi làm việc.
“Công ty có cơ chế thưởng rất phù hợp nên người lao động thi đua làm việc. Sản phẩm càng nhiều, càng chất lượng thì thu nhập càng cao” - chị Mai nói.
Ông Shen Ruijian - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Edward Việt Nam cho biết, đã ký kết hợp đồng giao 200 nghìn sản phẩm da bọc ghế sofa cho các doanh nghiệp ở Mỹ trong quý I nên đôn đốc lao động làm việc. Để duy trì sản xuất liên tục, 360 lao động của công ty áp dụng chặt chẽ quy định 5K và các quy định hiện hành về an toàn lao động.
Tạo cú hích cho nông thôn mới
Thêm 3 xã về đích nông thôn mới (NTM) trong năm nay, Thăng Bình sẽ có 100% xã đạt chuẩn NTM. Bởi vậy, địa phương đang tạo đòn bẩy bằng các giải pháp hữu hiệu. Cụ thể, huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, qua đó đáp ứng nhu cầu sản xuất và các hoạt động của đời sống nhân dân.
Từ các thành quả về chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, Thăng Bình khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Để rộng đường tiêu thụ nông sản, các chủ thể sản xuất mở rộng các kênh phân phối, bán hàng ở các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, bán hàng ở các sàn giao dịch điện tử.
Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, địa phương đang xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Sa để từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, cung cấp nguyên liệu, rau quả, thực phẩm chất lượng cao cho các thị trường khó tính.
Theo ông Nguyễn Văn Húy, mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM của địa phương là tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống của người dân. Bởi vậy, khuyến khích, huy động người dân tham gia các chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất, tạo thêm các sản phẩm đặc trưng được chế biến từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản sẵn có như dầu phụng, dầu mè, bột ngũ cốc, nếp...
“Gắn chặt xây dựng NTM với phát triển các sản phẩm OCOP là cách để khơi thông thế mạnh, tiềm năng, tạo diện mạo khởi sắc cho làng quê Thăng Bình. Huyện phấn đấu mỗi xã, thị trấn đều có sản phẩm đặc trưng chiếm ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Người dân nông thôn không chỉ được giải quyết việc làm mà quan trọng hơn là có thu nhập cao từ sản xuất, chế biến các sản phẩm bản địa” - ông Nguyễn Văn Húy nói.