Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những nhiệm vụ đột phá được huyện Thăng Bình chú trọng lãnh đạo, triển khai thực hiện, đạt được nhiều thành quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chú trọng triển khai
Cầu Bình Đào (Thăng Bình) có vị trí chiến lược, là huyết mạch giao thông giúp người dân Bình Đào đi lại, vận chuyển hàng hóa đến các xã Bình Triều, Bình Phục, thị trấn Hà Lam và ngược lại. Cây cầu này cách cầu sắt Bình Đào 95m về phía bên phải tuyến quốc lộ 14E, được khởi công từ ngày 28.9.2019. Công trình theo thiết kế có tổng chiều dài 713,4m, bề rộng 9m, tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, tốc độ thiết kế 60km/h. Cầu sắt Bình Đào tồn tại trong nhiều năm qua luôn có hạn chế là giao thông vào mùa mưa lũ rất khó khăn. Do vậy, làm cầu Bình Đào mới là nhu cầu bức thiết.
Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, UBND xã, các hội, đoàn thể đã ra sức vận động 74 hộ dân bị ảnh hưởng, bàn giao mặt bằng để thi công cầu Bình Đào được thuận lợi trong thời gian qua. Đến nay, đã có 69 hộ dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư đã thi công được 513/713,4m cầu Bình Đào. Đến nay, vẫn còn 5 hộ dân chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ khi cho rằng đơn giá bồi thường thấp so với giá đất trên thị trường và đòi bố trí thêm đất tái định cư.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, UBND huyện Thăng Bình đang chỉ đạo các cơ quan liên quan lập thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo quy định để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Bình Đào.
Là trung tâm thu hút đầu tư của vùng đông Thăng Bình nên xã Bình Dương đang có nhiều dự án hạ tầng triển khai. Ông Phan Thanh Vân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, để triển khai các dự án hạ tầng được thông suốt, địa phương thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Mọi thông tin của dự án có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân đều được công khai, minh bạch để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Trước hết, xã tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đông của tỉnh để người dân đồng thuận. Chính quyền xã đã họp, phổ biến thông tin các dự án, lấy ý kiến của nhân dân về thực hiện các dự án.
Theo đó, nói rõ vị trí, diện tích đất bị thu hồi phục vụ cho dự án và nhất là chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để người dân rõ. Nhờ giải quyết kịp thời những kiến nghị, chia sẻ tâm tư nguyện vọng của nhân dân nên các dự án đầu tư hạ tầng như đường Võ Chí Công, đường nối từ đường Võ Chí Công đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi... được triển khai thuận lợi.
Thành quả lớn
Trong 5 năm qua, nhiều dự án hạ tầng quan trọng đã và đang được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhất là các chương trình, dự án của tỉnh và trung ương như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 với chiều dài 18,5km; xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với chiều dài 12,7km; đường Võ Chí Công qua huyện Thăng Bình có chiều dài 27km; cầu Bình Đào, đường nối từ đường Võ Chí Công đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; nâng cấp quốc lộ 14E từ xã Bình Minh đến Bình Lãnh; xây dựng tuyến ĐT613 từ cầu Bình Dương đến Khu tái định cư ven biển Bình Dương; khởi công xây dựng cầu Bình Nam 1, cầu Bình Nam 2. Cơ cấu vốn đầu tư hạ tầng giao thông chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài các tuyến ĐH được đầu tư xây dựng, huyện Thăng Bình đã kiên cố hóa hơn 92,6km đường giao thông nông thôn theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện.
Nhờ hạ tầng giao thông đồng bộ, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai ở huyện Thăng Bình như Khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An; Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương; Làng biển nhiệt đới Bình Minh...
Cùng với hạ tầng giao thông, hạ tầng các các cụm công nghiệp cũng được huyện Thăng Bình chú trọng đầu tư, đáp ứng điều kiện ban đầu cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 3 cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên và Bình Hòa đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Các chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng đã tạo điều kiện giúp người dân huyện Thăng Bình mua bán, lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn. Theo thống kê, trong 5 năm, Thăng Bình đã xây mới, nâng cấp được 13 chợ tại các xã, thị trấn, giúp ngành thương mại khởi sắc.
Đánh giá về các thành quả trên, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, cả hệ thống chính trị và nhân dân trong toàn huyện phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để phấn đấu xây dựng quê hương, trước hết là kết cấu hạ tầng. Các cơ quan, địa phương đã tích cực phối hợp với các ban, ngành của tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để triển khai các dự án hạ tầng được thuận lợi. Huyện xây dựng kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tích cực vận động cán bộ, đảng viên, nhất là nhân dân đồng lòng triển khai thực hiện.