Thăng Bình phát huy tiềm năng du lịch

CÔNG HÙNG - NGUYỄN THU 29/12/2016 11:55

Là một huyện đồng bằng nằm ở trung tâm của tỉnh, Thăng Bình có lợi thế về thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội… Đó chính là điều kiện thuận lợi để Thăng Bình đẩy mạnh phát triển du lịch trong những năm đến.

Bãi tắm Bình Minh.
Bãi tắm Bình Minh.

Thăng Bình sở hữu những điều kiện, yếu tố tự nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch: ở vùng tây có núi và các hồ tự nhiên như hồ Phước Hà (xã Bình Phú), hồ Đông Tiển (Bình Trị), hồ Cao Ngạn (Bình Lãnh) diện tích mặt nước rộng, quanh năm trong xanh và được bao bọc bởi núi non và hệ sinh thái phong phú; có Hố Thác, Hố Cam là điểm du lịch sinh thái thơ mộng. Phía đông có dòng sông Trường Giang chạy qua hầu hết xã vùng đông và 25km bờ biển đang còn hoang sơ, trong đó có bãi tắm Bình Minh nổi tiếng với mực cơm và những món đặc sản biển.

Hai di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia là Phật viện Đồng Dương (trung tâm Phật giáo của Đông Nam Á - kinh đô hay thánh đô Indrapura của vương quốc cổ Chămpa), được xây dựng từ thế kỷ thứ IX, đang được tỉnh đề nghị nâng lên di tích cấp quốc gia đặc biệt. Di tích địa điểm diễn ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được đã được đầu tư trùng tu. Ngoài ra, Thăng Bình còn có cầu Hà Kiều là công trình mang đậm dấu ấn của hai danh nhân xứ Quảng: cụ Hà Đình - Nguyễn Thuật và Sơn phòng Nguyễn Tạo (thế kỷ XIX); có các làng nghề như làng rau sạch Hưng Mỹ, làng Quán Hương chuyên làm hương, làng nghề nước mắm Cửa Khe… Thăng Bình còn là vùng đất có nhiều nét văn hóa, lễ hội đặc sắc, mang đậm sắc thái vùng, miền, thể hiện rõ nét qua đời sống, sinh hoạt và các lễ hội truyền thống như lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; lễ mai táng và tục thờ cúng cá Ông… Bên cạnh đó còn có những phong tục, tín ngưỡng, nghi lễ, các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân ca, hát bài chòi ở nhiều địa phương trong huyện. Tất cả yếu tố đó đã tạo lập một cơ sở vững chắc để Thăng Bình xây dựng một chiến lược về phát triển du lịch và thu hút đầu tư du lịch, nhất là du lịch sinh thái biển, du lịch về nguồn gắn với văn hóa tâm linh…

Ngày 16.7.2015, HĐND huyện Thăng Bình (khóa X) đã thông qua Nghị quyết về phát triển du lịch Thăng Bình giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; cùng với Quyết định số 4137/QĐ-UBND ngày 30.10.2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án quản lý và khai thác một số bãi biển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong 2 năm 2016 - 2017. Trên cơ sở đó, ngành du lịch Thăng Bình đã xác định phương hướng phát triển bền vững, ưu tiên phát triển du lịch biển, núi là hướng chủ yếu, đồng thời phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái theo hướng xây dựng sản phẩm đặc thù và có sức cạnh tranh cao ở khu vực; phát triển du lịch gắn với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của huyện và liên kết chặt chẽ với du lịch vùng, đặc biệt là với Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành và Đà Nẵng.

Để đạt mục tiêu đó, trong những năm qua, Thăng Bình từng bước thực hiện các giải pháp đột phá nhằm đưa du lịch phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, nâng cao nhận thức về du lịch cho đối tượng là các cán bộ làm công tác quản lý về du lịch, những người hoạch định chính sách liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch, những người cung ứng dịch vụ du lịch, nhân dân địa phương và khách du lịch. Tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Thăng Bình trên cổng thông tin điện tử của huyện. Phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, gắn với xúc tiến quảng bá du lịch trên trang website du lịch Quảng Nam để quảng bá hình ảnh du lịch Thăng Bình đến các địa phương trong và ngoài nước. Tập trung xúc tiến đầu tư du lịch huyện, đẩy mạnh quảng bá du lịch, liên kết tour, thiết kế sản phẩm, tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi về thủ tục, mặt bằng... để hình thành các cơ sở lưu trú, các nhà hàng ẩm thực có chất lượng, có kiến trúc phù hợp với truyền thống Việt Nam và phù hợp với không gian các điểm du lịch sinh thái để thu hút và lưu giữ khách.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, những tuyến đường được xác định là lộ trình du lịch cần xây dựng và hình thành trạm dịch vụ (bãi đỗ, ăn uống, giải khát, vệ sinh, bán các sản phẩm lưu niệm... dọc theo các tuyến đường bộ với khoảng cách hợp lý; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm tham quan du lịch. Đồng thời triển khai có hiệu quả loại hình cơ sở lưu trú mới được khách du lịch ưa thích là nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Với những tiềm năng sẵn có, cùng với những định hướng và đầu tư  kịp thời, hy vọng du lịch Thăng Bình sẽ phát triển mạnh trong thời gian không xa.

CÔNG HÙNG - NGUYỄN THU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình phát huy tiềm năng du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO