Hôm nay 12.7, Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị kiểm điểm giữa nhiệm kỳ về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Dịp này, Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Nghĩa - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình.
PV: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình, đồng chí cho biết rõ hơn mục tiêu, chỉ tiêu nào đã đạt được; chỉ tiêu nào thực hiện còn chậm và nguyên nhân từ đâu?
Đồng chí Phan Nghĩa: Điều đáng mừng, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với NQ đề ra, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 20,9%, tăng 4,77% so với NQ Đại hội đề ra. Trong đó, công nghiệp tăng 30,8% (vượt 3,8% so với NQ); thương mại - dịch vụ tăng 33,9% (vượt 13,9%...); nông nghiệp tăng 4,81% (vượt 0,31%...). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 39,9% năm 2010 xuống còn 30%, công nghiệp - TTCN - xây dựng tăng từ 26,1% lên 30,4%; thương mại, dịch vụ tăng từ 34% lên 39,6%; thu phát sinh kinh tế trên địa bàn đạt kế hoạch tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người tăng gần 4 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt bình quân hằng năm đạt 80.085 tấn (NQ là 65.000 - 68.000 tấn/năm). Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm đạt 11.545 tấn (NQ là 9.300 tấn/năm). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 21,7% năm 2010 xuống còn 15,79% năm 2012, bình quân hằng năm giảm 2,95% (NQ từ 2 - 3%). Công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên được quan tâm đúng mức, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kết nạp được 520 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp được 208 đảng viên, vượt 48,5% so với NQ.
Tại Thăng Bình, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 20,9%, trong đó công nghiệp tăng 30,8%. Ảnh: QUANG VIỆT |
Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ tiêu thực hiện còn chậm, đạt ở mức thấp, như: chăn nuôi chiếm 19,2% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp (NQ đề ra đến 2015 đạt 40%). Giá trị sản xuất lâm nghiệp chiếm 2,6% tỷ trọng trong ngành nông nghiệp (NQ đề ra 5%). Tốc độ tăng thu phát sinh kinh tế trên địa bàn bình quân hằng năm đạt 8,1%/năm (NQ là 10 - 12%). Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp mới đạt 33% (NQ là 55%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 28% (NQ là 45%). Tỷ suất sinh thô năm 2012 là 12,38‰, tăng 1,88%O so với năm 2010 (NQ đề ra giảm 0,4‰/năm); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2012 là 18,9% (NQ còn 15%). Tỷ lệ thôn, tổ đạt chuẩn văn hóa còn thấp, năm 2012 đạt 9,85% (NQ là 10%). Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh bình quân hằng năm đạt 72,4% (NQ là 80%).
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu nêu trên còn hạn chế có nguyên nhân chủ quan là, trong chỉ đạo, thiếu xây dựng mô hình, dự án, đề án tổ chức thực hiện và rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng. Có những công việc đã xác định là trọng tâm, trọng điểm nhưng chỉ đạo triển khai thực hiện thiếu sự tập trung, đồng bộ và quyết liệt. Phân công phân nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp có lúc chưa rõ, chưa chặt chẽ; thiếu biện pháp kiểm tra đôn đốc thường xuyên, sơ kết tổng kết rút kinh nghiệm. Những chỉ tiêu đang còn ở mức thấp, nửa nhiệm kỳ còn lại, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, thiết thực. Trong đó, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ công chức và nhân dân về vận dụng sáng tạo các NQ của Đảng vào thực tiễn.
PV:Từ việc nhận diện tình hình thời gian qua, đồng chí có thể khái quát một số bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội?
Đồng chí Phan Nghĩa: Với những thành quả đã đạt được nửa đầu nhiệm kỳ, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau: (1) Trên cơ sở nắm vững, vận dụng sáng tạo các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nắm bắt và phân tích đầy đủ, chính xác tình hình, thực hiện tốt công tác dự báo để đề ra chủ trương, quyết sách, mục tiêu, nhiệm vụ sát hợp với thực tiễn; đồng thời huy động nhiều nguồn lực để thực hiện. (2) Trong lãnh đạo, chỉ đạo, vừa bảo đảm có chương trình định hướng mang tính toàn diện, bao quát, chiến lược, lâu dài; vừa tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; lựa chọn những vấn đề mấu chốt có tính đột phá; kiên trì chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. (3) Phát huy trí tuệ, dân chủ, đoàn kết để tập hợp sức mạnh của nhân dân và cán bộ công chức và tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy đúng mức vai trò của người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành. Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. (4) Hình thành các mô hình tổ công tác đi cơ sở do khối dân vận hoặc tuyên giáo chủ trì để tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, tuyên truyền, vận động, tạo ra sự đồng thuận trong xã hội và cộng đồng để triển khai các chương trình, dự án kinh tế xã hội.
PV:Thưa đồng chí, từ thực tế lãnh đạo, tổ chức thực hiện các NQ của tỉnh và của Đảng bộ huyện nửa nhiệm kỳ qua, có vấn đề gì còn vướng mắc, cần nghiên cứu, đề xuất, bổ sung, điều chỉnh và giải pháp để thực hiện hoàn thành toàn diện NQ Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra?
Nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng được nâng lên Tại Đảng bộ huyện Thăng Bình, việc triển khai thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) hơn một năm qua đã tạo những chuyển biến tích cực. Vấn đề cơ bản và nổi rõ nhất là nhận thức về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên được nâng lên, coi nhiệm vụ đổi mới chỉnh đốn Đảng là cấp bách và cần thiết nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới. Tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm của mình được nêu ra trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4; kịp thời đề ra giải pháp sửa chữa, khắc phục, cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, coi trọng chấn chỉnh yếu kém, sai sót trong quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, xây dựng cơ bản…, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Về công tác cán bộ: tiến hành rà soát, sàng lọc, từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng; bổ sung điều chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ điều kiện tiêu chuẩn, tín nhiệm thấp, không hoàn thành nhiệm vụ; coi trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. |
Đồng chí Phan Nghĩa: Có nhiều vướng mắc nhưng tôi chỉ đề cập 3 vấn đề quan tâm nhất. (1) Quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đông huyện Thăng Bình chưa được thống nhất, chưa rõ việc, như công bố quy hoạch, phân công trách nhiệm quản lý đối với cấp trên, cấp dưới. Tỉnh nên có quyết định sớm việc này. (2) Mức hỗ trợ đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án tỉnh quy định còn ở mức thấp, cần được điều chỉnh. (3) Huyện Thăng Bình không nằm trong danh sách các huyện khó khăn để được hưởng cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư. Huyện đã có nhiều cố gắng trong thuyết phục vận động và cải thiện môi trường đầu tư, song các nhà đầu tư vẫn chưa muốn vào địa bàn, vì không hưởng được ưu đãi đầu tư; đề nghị tỉnh quan tâm và kiên trì đề nghị với Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa vào danh sách trình Thủ tướng Chính phủ.
Nửa nhiệm kỳ còn lại, Thăng Bình đối mặt với không ít khó khăn, song vẫn xác định các giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện NQ. Trước hết, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2013 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở này, tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy hoạch chi tiết ngành, vùng, địa phương theo hướng phát triển bền vững; thực hiện quy hoạch chất lượng đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra để có biện pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp phụ trợ, may mặc, dịch vụ, thương mại. Tập trung nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã đạt đủ tiêu chí nông thôn mới. Huy động tích cực và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đôn đốc thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là kết cấu hạ tầng lĩnh vực giao thông, thủy lợi, điện, cụm công nghiệp, đô thị, kinh tế biển...
PV: Xin cám ơn đồng chí!
HOÀNG NGỌC (thực hiện)