(QNO) - Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Thăng Bình đang có xu hướng bùng phát mạnh trở lại. Việc chưa có vắc xin phòng ngừa và cơ chế hỗ trợ kịp thời khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Tháng 6.2020, khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Bình Đào được khống chế và chính quyền địa phương khuyến khích tái đàn, bà Trần Thị Kim Nhung (thôn Trà Đóa) mua 1 con heo giống để chăn nuôi trở lại. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy heo phát triển nhanh, không mắc bệnh, bà Nhung mua thêm 7 con heo giống để nhân đàn.
Cách đây khoảng 1 tuần, phát hiện 1 con heo có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn và bị táo bón, bà Nhung báo cáo ngay với chính quyền địa phương. Ngày 18.3, con heo này được thú y địa phương tiêu hủy vì mắc dịch tả lợn châu Phi.
“Khi tái đàn, tôi chọn con giống chất lượng tốt, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhưng heo vẫn bị bệnh. Hiện tôi thường xuyên giữ liên hệ với thú y địa phương để nắm bắt phương pháp phòng dịch, tránh lây lan ra cả đàn và các hộ xung quanh. Việc dịch liên tục bùng phát khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn” - bà Nhung nói.
Theo UBND xã Bình Đào, dịch tả lợn châu Phi bùng phát lần 2 trên địa bàn xã vào ngày 23.2.2021. Tính đến nay có hơn 60 con heo của 45 hộ mắc bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng gần 6,2 tấn. Đặc thù của địa phương là chăn nuôi theo hộ, nhỏ lẻ nên UBND xã tập trung khoanh vùng, dập dịch; phun thuốc tiêu độc khử trùng; yêu cầu người dân khẩn trương khai báo với lực lượng thú y khi phát hiện heo có triệu chứng bệnh.
Ông Trần Hữu Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết: “Thời tiết nắng nóng cùng với quá trình vận chuyển, tiêu thụ các nguồn thịt heo chưa đảm bảo có thể là nguyên nhân khiến dịch bùng phát trở lại. UBND xã đã dành nguồn ngân sách dự phòng để phục vụ công tác tiêu hủy, khống chế dịch”.
Theo ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, sau khi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cơ bản được khống chế vào tháng 6.2020 thì từ đầu tháng 1.2021 đến nay đã có 13 xã tái phát dịch và có nguy cơ bùng phát mạnh. Theo thống kê, đợt này có gần 1.000 con heo mắc bệnh với tổng trọng lượng hơn 85 tấn.
Ông Vũ cho biết UBND huyện đã yêu cầu địa phương, ngành liên quan tập trung công tác khoanh vùng, dập dịch. Nguyên nhân tái phát dịch do chưa có vắc xin phòng ngừa; người chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học và công tác tái đàn sử dụng những con giống có mầm bệnh.
“Quyết định hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đến ngày 31.12.2020, nay hết hiệu lực và chưa có những cơ chế hỗ trợ mới cũng là khó khăn trong công tác phòng chống dịch của địa phương. Trong thời gian tới, kiến nghị UBND tỉnh và các cấp sớm có phương án hỗ trợ để công tác dập dịch được hiệu quả và kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi” - ông Vũ nói.