Thăng Bình tạo đà phát triển vùng Tây

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 15/02/2022 06:48

Ngày 15.12.2021, HĐND huyện Thăng Bình thông qua Nghị quyết số 53 về phát triển kinh tế vùng Tây giai đoạn 2022 - 2025, thay thế Nghị quyết 06 ngày 19.7.2019. Nghị quyết lần này được đánh giá sát hơn, gần hơn và người dân cũng dễ dàng tiếp cận hơn với các nguồn vốn để có thể vươn lên phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi dê tại các xã cánh tây huyện Thăng Bình đang được thực hiện khá tốt. Ảnh: B.T
Mô hình nuôi dê tại các xã cánh tây huyện Thăng Bình đang được thực hiện khá tốt. Ảnh: B.T

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, tổng nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết cho giai đoạn 2022 - 2025 gần 15 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp 12,6 tỷ, còn lại tiểu thủ công nghiệp.

Riêng năm 2022, năm đầu tiên thực hiện theo Nghị quyết 53, nguồn kinh phí hỗ trợ 3 tỷ đồng là rất lớn. Do đó ngay từ bây giờ, các địa phương phải tăng cường tuyền truyền vận động người dân trên cơ sở các mô hình, cây, con thích hợp để triển khai thực hiện, tiếp cận nguồn vốn.

So với Nghị quyết 06 trước đây, Nghị quyết 53 mở rộng phạm vi hỗ trợ các ngành nghề, kinh phí; điều kiện hỗ trợ được mở rộng và linh hoạt hơn. Ngoài hỗ trợ kinh phí mua trang thiết bị máy móc, nghị quyết còn hỗ trợ nâng cấp nhà xưởng. Đó là tiền đề để phát triển sản phẩm hướng đến OCOP, bởi lâu nay nhiều cơ sở tận dụng nhà ở để làm nhà xưởng không đạt yêu cầu.

Ngay khi Nghị quyết 53 được thông qua, xã Bình Lãnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận, thậm chí được lồng ghép qua các cuộc họp ở thôn.

Ông Trương Kim Đông - Bí Thư Đảng ủy xã Bình Lãnh cho biết, đến nay trên địa bàn xã có một số mô hình chăn nuôi bò lai nhốt bán thâm canh quy mô 10 con trở lên đã đăng ký thực hiện. Bên cạnh đó, một số mô hình nuôi dê, trồng cây ăn quả cũng đang được địa phương khảo sát, hỗ trợ. Theo ông Đông, Nghị quyết 53 giúp người dân dễ tiếp cận và sát với điều kiện thực tế của vùng Tây hơn.

Bình Quế là một trong những xã đi đầu vận động người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Trong đó phải kể đến cây tiêu đang được người dân thôn Bình Hội, Bình Quang trồng với quy mô lớn. Thế nhưng điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn diễn ra.

Ông Nguyễn Thanh Long - Bí thư Đảng ủy xã Bình Quế cho rằng, các ngành, cơ quan chuyên môn của huyện nên xem xét hỗ trợ đầu ra của sản phẩm. Bởi nếu sản phẩm làm ra chỉ ở quy mô thôn, xã thì khó lòng phát triển, người dân không mặn mà đầu tư.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói, ngay từ bây giờ, các địa phương tập trung đưa nghị quyết vào cuộc sống. Địa phương đã có mô hình thì đăng ký với Phòng NN&PTNT huyện chủ trì, phối hợp các ngành kiểm tra, chậm nhất đến cuối tháng 3.2022 để thống nhất triển khai. Ngược lại, trong quá trình xét chọn, các mô hình phải mang tính khả thi, có lợi nhất.

Thời gian đến, huyện thành lập tổ công tác hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết 53 để tháo gỡ khó khăn cùng với các địa phương. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT huyện đăng ký làm việc với các siêu thị, doanh nghiệp để kết nối cung cầu giúp tiêu thụ các sản phẩm của bà con nông dân, tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình tạo đà phát triển vùng Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO