Nông nghiệp

Thăng Bình tập trung khống chế dịch tả lợn châu Phi

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC - PHAN HẢI 19/03/2024 15:02

(QNO) - Các địa phương có dịch tả lợn châu Phi của huyện Thăng Bình đang phối hợp với ngành chức năng thực hiện đồng bộ các giải pháp khống chế dịch bệnh, hạn chế tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi.

z5245120712344_75d8c4290bdf20d3b73fe2f7251e82d2.jpg
Heo của gia đình chị Phượng chết do dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh BIÊN THỰC HẢI

Bà Lê Thị Phượng, thôn Châu Xuân (Bình Định Nam) ứa nước mắt khi 2 con heo nái gần 2 tạ đã chết chuẩn bị được đưa đi tiêu hủy. Trước đó, lực lượng thú ý xã Bình Định Nam cũng đã tiêu hủy con heo nái của gia đình với trọng lượng 79kg do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo bà Phượng, dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào năm 2019, hơn 2 năm sau đó gia đình tái đàn trở lại. Những con heo nái mắc bệnh lần này đều đã sinh sản nhiều lứa. Khi phát hiện dịch bệnh, gia đình đã báo với địa phương để tiêu hủy, rắc vôi toàn bộ các khu vực.

[VIDEO] - Bà Lê Thị Phương thông tin về dịch bệnh:

"Trước khi tái đàn tôi cũng đã khử khuẩn, để thoáng chuồng nuôi, tuy nhiên dịch bệnh vẫn tái phát trở lại. Người chăn nuôi chúng tôi cũng lo lắng, bất an bởi số tiền đầu tư đã bỏ vào đây"- bà Phượng cho hay.

Tương tự, sau khi có 1 con heo nái trọng lượng 63kg chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi, lập tức ông Nguyễn Văn Cường, thôn An Lộc (Bình Định Nam) đã tách 3 con heo thịt sang khu vực chăn nuôi khác để tránh lây lan. Tuy vậy, vẫn không hy vọng nhiều, bởi theo ông dịch này khó khống chế và rất dễ lây nhanh.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết, ngày 4/3, địa phương đã công bố dịch tả lợn châu Phi khi phát hiện 6 con heo của 3 hộ mắc bệnh, phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 589kg.

"Địa phương đã lập 2 chốt kiểm soát dịch, phát đi thông báo nghiêm cấm người dân mua bán, vận chuyển, tiêu thụ heo. Địa phương yêu cầu ngay khi phát hiện heo có biểu hiện bệnh phải báo chính quyền địa phương tiêu hủy theo quy định, không vứt ra môi trường" - ông Bảo nói.

Từ đầu năm đến nay, huyện Thăng Bình đã công bố dịch tả lợn châu Phi ở 5 địa phương gồm Bình Định Nam, Bình Lãnh, Bình Tú, Bình Chánh và Bình Giang với trọng lượng số heo đã tiêu hủy hơn 13,4 tấn.

z5244963573928_f71cc6b343461177478da36dfc5f9f0b.jpg
Rải vôi xung quanh khu vực chăn nuôi. Ảnh: BIÊN HẢI THỰC

Về biện pháp ngăn ngừa dịch sắp đến, theo ông Bảo phải giám sát dịch bệnh, tiêu hủy heo bệnh và nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ngay khi phát hiện. Ngoài ra, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán sản phẩm từ heo, tiến hành quản lý giết mổ, tiêu thụ heo các loại.

Thêm vào đó, triển khai đồng bộ vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường ở các khu vực có dịch. Đặc biệt tăng cường công tác tuyên truyền, nhấn mạnh về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, tác hại đối với nền kinh tế, chăn nuôi do hoạt động buôn bán, vận chuyển heo không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.

Hiện, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình đang phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện và các địa phương tiến hành rà soát lần cuối đối với số lượng heo mắc bệnh và tiêu hủy do dịch bệnh tả lợn châu Phi gây ra các năm 2021 và 2022. Trên cơ sở đó, sẽ lập thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi theo đúng quy định.

Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện, tổng trọng lượng heo đã tiêu hủy vào các năm 2021, 2022 khoảng 539 tấn, kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 21 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 90%, ngân sách huyện 10%). Cụ thể năm 2021, tổng số hộ có heo tiêu hủy 2.371 hộ với 5.826 con, trọng lượng hơn 439 tấn. Năm 2022, có 580 hộ có lợn bị tiêu huỷ với 1.122 con, trọng lượng gần 100 tấn.

Ông Trần Vũ Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết thêm, các năm 2019, 2020 đã hỗ trợ tiền tiêu hủy heo mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi cho hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, riêng năm 2021, 2022, cấp trên chưa ban hành văn bản hướng dẫn để hỗ trợ kinh phí cho người dân có heo bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình tập trung khống chế dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO