Thăng Bình tìm cú hích phát triển mới

VIỆT NGUYỄN 09/07/2018 14:34

(QNO) - Hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 được Huyện ủy Thăng Bình tổ chức cuối tuần qua đã phân tích các thành quả đạt được, hạn chế tồn tại, đề xuất nhiều giải pháp để triển khai tốt hơn trong thời gian đến.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nhận diện thách thức

Huyện Thăng Bình đã hình thành 3 vùng kinh tế tương đối rõ nét là vùng đông, vùng trung và vùng tây. Ở vùng tây, trọng tâm là phát triển kinh tế rừng, vườn đồi, trang trại, theo mô hình nông - lâm kết hợp. Ở vùng trung, Thăng Bình ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò. Địa phương quy hoạch phát triển thị trấn Hà Lam về phía nam, kỳ vọng đạt chuẩn đô thị loại 4 vào năm 2020. Ở vùng đông, Thăng Bình tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận các cơ chế hỗ trợ, đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ. Tại xã Bình Minh, huyện ưu tiên mọi nguồn lực, đầu tư, kiện toàn hạ tầng, xây dựng để đạt chuẩn đô thị loại 5 vào năm 2020. Địa phương chú trọng quản lý quy hoạch, hiện trạng, đất đai để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ.

Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương đề xuất với tỉnh nâng Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được thành khu công nghiệp nhưng đến nay chưa đạt vì chưa đảm bảo diện tích lấp đầy. Sản xuất công nghiệp còn phát triển chậm. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư chưa mạnh mẽ, môi trường đầu tư chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Đến nay, các dự án đầu tư chủ yếu ở ngành may mặc. Nghị quyết đề ra đến năm 2020, tỷ lệ lấp đầy ở các cụm công nghiệp đạt hơn 70% nhưng đến nay mới chỉ đạt 56,08%. Hoạt động thương mại, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng. Một số chương trình, dự án trọng điểm như chuyển dịch kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp ở vùng tây, khơi thông sông Trường Giang, xây dựng hồ chứa nước Hố Do chưa triển khai thực hiện được.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, người nông dân bỏ đất sản xuất, hoang hóa đồng ruộng là rất đáng tiếc vì huyện đang tập trung tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp còn thấp. Kinh tế vườn, trang trại, cây dược liệu ở vùng tây phát triển chậm mà chính quyền địa phương loay hoay mãi vẫn chưa xây dựng được đề án phát triển vùng tây, tạo cú hích phát triển. Xây dựng nông thôn mới còn chậm, thiếu bền vững, đã có nhiều xã rớt tiêu chí. Nhìn chung, đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế để phát triển, nhất là giao thông, thủy lợi, hạ tầng các cụm công nghiệp. Công tác điều hành, quản lý xây dựng cơ bản còn hạn chế.

Đồng bộ giải pháp

Trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát, quy hoạch rõ các vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng. Trước hết, cần củng cố các hợp tác xã đủ mạnh để làm cầu nối trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp, người tiêu dùng. Hiện nay, người dân nhiều địa phương bỏ ruộng là do thiếu lao động và hiệu quả sản xuất thấp. Đây lại là điều kiện thuận lợi để thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất tuy nhiên gặp vướng về Luật Đất đai khi doanh nghiệp ngoài địa phương vào thuê đất. Bởi vây, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND huyện tháo gỡ khó khăn trong thời gian đến.

“Để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, rất cần thiết phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng. Để thuận lợi, cần gắn chặt với thị trường và tạo mối liên kết “4 nhà” là nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước. Cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản có thương hiệu. Ngoài ra, cần có cơ chế khơi thông nguồn vốn tín dụng ưu đãi để người nông dân tiếp cận, nâng cao sản xuất” - ông Khiết nói.

Ông Trần Toản - Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình cho rằng, sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai đơn giản, công khai, nhanh gọn, minh bạch trong thời gian đến. Các xã, thị trấn cần tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, đất đai, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp người dân chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hay xây dựng các công trình trên phạm vi đất đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500. Việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai sẽ được hoàn thành đúng tiến độ trong thời gian đến.

“Ngành sẽ tiếp tục phản ánh, kiến nghị các cấp có thẩm quyền những bất cập về đất đai, đặc biệt là chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân khi nhà nước thu hồi đất. Cùng với đó, sẽ tham mưu UBND huyện sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất” - ông Toản nói.

Đồng chí Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá cao tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của Thăng Bình đạt 17,95%. Là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách huyện Thăng Bình, đồng chí Võ Xuân Ca cho rằng, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nay đến cuối nhiệm kỳ để triển khai đạt các mục tiêu theo nghị quyết đề ra. Theo đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo chuyển biến về nông nghiệp, nông thôn và người nông dân theo hướng toàn diện, bền vững.

Ngoài ra, huyện cần tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng vào các cụm công nghiệp, quảng bá, kêu gọi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư mạnh phát triển công nghiệp. Kinh tế thương mại - dịch vụ cần được khuyến khích phát triển để khơi thông mua bán hàng hóa, tạo thêm việc làm, tăng nguồn thu ngân sách. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản cần được triển khai chủ động, đồng bộ từ huyện đến cơ sở, nhất là vùng đông cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Kinh tế vùng cần được tạo đà phát triển, đặc biệt là phải có đề án phát triển vùng tây làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách. “Đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mạnh, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế là những điều kiện then chốt để Thăng Bình có thể phát triển xứng tầm trong thời gian đến” - đồng chí Võ Xuân Ca nói.

VIỆT NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình tìm cú hích phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO