Mặc dù hạ tầng khá đồng bộ, đường sá thông thoáng nhưng huyện Thăng Bình vẫn huy động thêm 8.000 tỷ đồng từ nay đến năm 2025 để đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Hội nghị Huyện ủy Thăng Bình tuần qua đã dành thời lượng khá lớn để thảo luận, thông qua nghị quyết về xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, ưu tiên huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian qua.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng giá trị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng huyện Thăng Bình đạt 4.136 tỷ đồng (tăng 75,14% so với giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư, khai thác bàn giao, sử dụng, khơi thông thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nông nghiệp, công nghiệp, thương mại.
Nhờ hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư, hoàn thiện đã liên kết các các xã, huyện lân cận với Thăng Bình như Tam Kỳ, Quế Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư, nâng cấp đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất của người dân như hồ Đông Tiển, Phước Hà, Cao Ngạn, các công trình dẫn nước từ hồ Phú Ninh.
Các trường học trên địa bàn được xây dựng, nâng cấp đảm bảo cho công tác dạy và học; hạ tầng y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư... Tuy vậy, kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thăng Bình còn hạn chế. Huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình hạ tầng.
Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho rằng, cái khó là khi người dân bị thu hồi đất để xây dựng các công trình hạ tầng thì giá đất bồi thường thấp so với giá đất trên thị trường. Mặt khác, tái định cư cho người dân bị thu hồi đất chậm, khu tái định cư chưa hoàn thiện các điều kiện thiết yếu.
“Pháp luật đã có quy định rõ về chính sách hỗ trợ người dân bị thu hồi đất triển khai các dự án hạ tầng nhưng trên thực tế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, tìm công việc mới cho người dân ở vùng tái định cư không suôn sẻ” - ông Vinh nói.
Tạo đột phá về hạ tầng
Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 phải đồng bộ, là một trong những khâu đột phá theo định hướng của tỉnh, đồng thời đáp ứng các điều kiện là nền tảng để xây dựng Thăng Bình thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đông nam của tỉnh.
“Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên cơ sở thực hiện tốt quy hoạch và quản lý quy hoạch; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội. Cần quản lý chặt trong khai thác sử dụng công trình, xác định dự án ưu tiên đầu tư; tiếp tục tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng hiện đại trên tất cả lĩnh vực” - ông Phan Công Vỹ nói.
Về mục tiêu cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Thăng Bình phấn đấu huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 7.500 - 8.000 tỷ đồng, đầu tư cơ bản hoàn thiện mạng lưới giao thông thông suốt, an toàn, đảm bảo kết nối các vùng, địa phương; cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các công trình cung cấp nước sạch, y tế, giáo dục, văn hóa, thương mại, dịch vụ, công nghiệp.
Để xây dựng vùng đông nam Thăng Bình trở thành vùng động lực phát triển kinh tế - xã hội, Thăng Bình đề xuất UBND tỉnh nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường Võ Chí Công, tuyến đường vành đai ven biển theo quy hoạch (song song với tuyến đường Võ Chí Công về phía đông), đầu tư tuyến đường từ Khu công nghiệp Nam Thăng Bình đến Khu công nghiệp Đông Quế Sơn, đường tránh lũ vành đai bắc Thăng Bình, nhất là nạo vét sông Trường Giang nhằm cải tạo cảnh quan, phát triển kinh tế, du lịch, đô thị ven sông.
Khi hạ tầng các cụm công nghiệp ngày càng hoàn thiện, địa phương sẽ nỗ lực đầu tư cho hạ tầng thương mại, chợ và siêu thị. Theo đó, huy động các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn, trung tâm thương mại, siêu thị ở thị trấn Hà Lam, hoàn thiện hệ thống dịch vụ thương mại, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa thông suốt trên địa bàn huyện, gắn kết với các trung tâm thương mại, siêu thị của tỉnh.