Thắng cảnh hố Giang Thơm (Núi Thành): Từ hoang sơ đến hoang tàn…

TRUNG THÀNH 11/07/2017 08:53

Cách đây 10 năm, lần đầu tiên tôi đặt chân đến hố Giang Thơm ở xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), thắng cảnh đẹp như mơ. Bây giờ trở lại, tôi rất buồn khi thấy cảnh vật nơi đây từ hoang sơ đến hoang tàn…

Bên cạnh Thác Lớn là… ngổn ngang rác thải.Ảnh: T.THÀNH
Bên cạnh Thác Lớn là… ngổn ngang rác thải.Ảnh: T.THÀNH

Ngày đó, đến với hố Giang Thơm chúng tôi phải vượt qua trên 10km đường đèo dốc đất đá, khi đặt chân đến đầu suối là mọi cảm giác mệt nhọc đều tiêu tan. Có lẽ vì hố Giang Thơm ngày đó còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, có sức hút kỳ lạ! Chỉ mới lọt vào vòm lá của con suối ta đã nghe hơi mát mơn man trên làn da, dòng nước suối trong veo tận đáy. Dù nhiệt độ ngoài đường 37 - 380C nhưng khi vào suối ta cảm thấy không còn nóng bức nữa, nhất là khi nằm trên tảng đá mát lạnh, mặt ngửa nhìn vòm lá xanh tươi che phủ. Tiếng chim hót hòa cùng tiếng suối reo… khiến ta cảm thấy thanh thản vô cùng. Khi lên Thác Lớn, ai cũng thốt lên: “Giống như thác Cam Ly ở Đà Lạt”. Dòng thác rộng đến 3 - 4m như tấm rèm nước phủ kín vách đá cao dựng đứng, đổ vào Hố Lớn rộng sâu tạo nên âm thanh vui nhộn. Ấy là hố Giang Thơm ngày xưa…

Bây giờ, Giang Thơm đã được xếp hạng là danh thắng của địa phương nhưng chưa được đầu tư khai thác du lịch. Mới đây, tôi được bạn bè rủ lên hố Giang Thơm dã ngoại một chuyến sắp đến. Nghe vậy, có người can ngăn: “Trên đó còn chi mà lên? Bởi suối cạn nước, dơ bẩn, trời nắng nóng”. Mặc kệ, tôi và nhóm bạn lên hố Giang Thơm xem thử thế nào? Hơn nữa đường sá bây giờ nhựa láng, chạy xe mươi phút là đến nơi. Vừa tới đầu đường rẽ vào suối, nhìn cảnh rừng đã trơ mảng đỏ lòm không một bóng cây, tôi thầm nghĩ, phải chăng bạn tôi nói đúng? Khu rừng nguyên sinh hai bên suối đã biến mất, thay vào đó là rừng keo lá tràm của những tư nhân, ven suối chỉ còn lại loài cây gỗ tạp, nếu không chúng cũng bị đốn hạ mất rồi. Gửi xe ở nhà cô Quý, tôi và nhóm bạn đi vào hố Giang Thơm, đường vào chật hẹp do chủ các khu rừng keo lá tràm đã trồng trụ bê tông, kéo dây kẽm gai để phận định ranh giới. Đất rừng rộng mênh mông, nhưng vì giăng dây sát mép con suối làm cho lối đi chỉ còn bé tí, có nơi trụ bê tông đổ ngã ra đường làm chùn bước chân của du khách.

Hố Giang Thơm đã khác hẳn xưa.Dòng nước nông choèn, con Thác lớn bây chừ chỉ còn là một dòng nước nhỏ đổ xuống lòng hố cạn. Một nỗi buồn buồn len lỏi trong tôi khi dạo bước về phía thượng nguồn. Rải rác hai bên bờ suối cơ man nào là lon chai, bao bì, phế phẩm, thịt thiu, trái cây hôi thối… Thêm vào đó là mươi cái bếp tự tạo bằng đá để nấu nướng thức ăn, nhậu nhẹt. Có một cái bếp dưới gốc cây to bị lửa đã liếm sém thân gần cả mét. Đoạn dưới có nhóm người đem thịt tươi ra nướng, đoạn trên lại có nhóm khác mổ gà, bao nhiêu chất thải đều xổ ra giữa dòng suối. Hố Giang Thơm ở xã Tam Mỹ Tây và  Bàn Than  ở xã đảo Tam Hải, Biển Rạng ở xã Tam Quang… là những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách gần xa. Vậy mà giờ đây hố Giang Thơm đã bị biến dạng do con người…

Thiết nghĩ,  các cấp có thẩm quyền ở huyện Núi Thành và xã Tam Mỹ Tây nên có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác rừng, lấn chiếm khu vực hố Giang Thơm để trồng keo lá tràm. Đừng để thắng cảnh hố Giang Thơm từ hoang sơ đến hoang tàn.

TRUNG THÀNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thắng cảnh hố Giang Thơm (Núi Thành): Từ hoang sơ đến hoang tàn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO