Tháng Chạp

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/01/2017 09:20

Thời phong kiến, các cụ lão thường gọi tháng Chạp của mỗi năm âm lịch là “tháng củ mật”.  Vậy “củ mật” là gì? Ông cụ tôi lúc sinh thời giải thích: “Củ” là củ soát hay kiểm soát. “Củ” trong sự quy củ, thứ thự, rõ ràng. Còn “mật” là nghiêm mật, nghiêm ngặt, chặt chẽ, không để lộ ra (bí mật). Vậy “củ mật” có nghĩa là kiểm soát, kiểm tra nghiêm ngặt, không để lộ ra cho người gian xấu. “Tháng củ mật” như một lời khuyên. Khuyên người làm ăn chân chính cần tĩnh táo trong việc tiêu dùng, kinh doanh vì không khéo đến cuối năm lại trắng tay do thiếu tính toán. Đây cũng là thời gian mà nạn trộm cắp, lừa đảo thường xảy ra nếu quá tin người, thiếu phòng bị…

Ở làng tôi ngày xưa, cũng như nhiều làng khác, vào tháng Chạp, việc canh gác, tuần tiễu của dân đinh được tăng cường. Đêm đêm, dân đinh với gậy gộc tập trung ở nhà “xích hậu” rồi chia nhau canh phòng, tuần tiễu để phòng ngừa kẻ gian từ nơi khác đến. Những nhà giàu có, phú nông thường sai người ở canh phòng kỹ càng hơn, đặt thêm ổ chốt hoặc những khúc gỗ chèn trên đầu cửa ngạch, phòng đêm hôm đạo chích lẩn vào. Những nhà nghèo lại thường nói câu cửa miệng như than thân trách phận: “Lúng túng như nợ đòi tháng Chạp!”.

Lại nữa, các cụ đồ nho còn gọi tháng Chạp là “lạp nguyệt”. Tháng có nhiều ngày tế lễ cuối năm như lễ hiệp kỵ ở các nhà thờ tộc họ, cúng âm linh ở các làng, rồi cúng đưa ông Táo về trời; đến cúng tất niên thì gọi là “đại lạp”... Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn cho rằng từ “lạp nguyệt” có nguồn gốc chữ Nho, người Việt đọc trại ra thành “Chạp”… Vào tháng này việc chi tiêu cần được điều tiết khéo léo kẻo phá vỡ “kế hoạch ngân sách” gia đình, nhất là ở nông thôn…

Ngẫm nghĩ về thực tế tháng Chạp bây giờ, ta thấy lời người xưa cũng không sai. Năm nay lại càng đúng với những hiện tượng tự nhiên, lụt lội mưa gió đến sau ngày Đông chí. Lịch thời vụ thay đổi việc xuống giống, gieo sạ đến cả sau Đông chí. Vậy mà nhiều vườn tược hoa màu vẫn bị mưa lớn làm bầm giập, hàng trăm héc ta cây vụ đông ở các biền bãi bị lũ muộn cuốn sạch. Nhiều vùng ruộng lúa thấp ven sông, đến hôm nay nước vẫn còn sâu, chưa thể cày bừa. Hôm qua tôi lang thang khắp làng, mấy người bà con nông dân vẫn co ro ngồi trong nhà nhìn ra, lắc đầu ngao ngán cho… tháng Chạp! Những khoảnh vườn mọi năm đã xanh tốt đậu, cải, năm nay vẫn là miếng đất còn ướt nhẹp nước!

Ở ngoài phố cũng chẳng hơn gì! Kinh tế khó khăn trong năm nay càng đẩy hy vọng làm ăn của nhiều tiểu thương vào cơ hội những tháng cuối năm với nhu cầu mua sắm tăng cao. Nhưng cả miền Trung cứ mưa lụt dầm dề, đường sá tắc nghẽn, hàng hóa khó lưu thông. Theo các báo đưa tin, chỉ số tiêu dùng 2 tháng qua tăng rất thấp, mà tăng lại chủ yếu ở nhóm hàng thực phẩm, rau củ với mức 50% so với cùng kỳ năm ngoái, do hậu quả của mưa lũ! Trong lúc đó nạn lừa đảo, trộm cắp tài sản thì tăng về cả số lượng, quy mô và hình thái đa dạng chứ không còn ở những vụ trộm cắp vặt; như giả danh cảnh sát, cán bộ tòa án, giả làm trợ lý của quan chức chính phủ… đến các địa phương để lừa, lợi dụng công nghệ cao để lừa, ăn cắp qua mạng… Và những tệ nạn này lại có dấu hiệu tăng vào tháng cuối năm!

Xem ra, làm ăn bây giờ đã khó, lại càng khó hơn trong tháng “củ mật”, “lạp nguyệt” này. Vì vậy lời khuyên của ông bà ta vẫn còn tính thời sự khá cao!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng Chạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO