Thằng già nhớ mẹ

PHÙNG TẤN ĐÔNG 26/08/2017 11:22

Chẳng phải nòi thi sĩ để suốt đời sống trên mây chỉ mơ với mộng, K. - bạn của tôi, là người luôn “thực tế”. Học hành tử tế, cư xử với bạn bè chu đáo, tận tình. Ngay cả chuyện yêu đương bạn cũng thuộc “típ” người “thủy chung như nhứt” hay nói như nhà thơ Bảo Sinh là “suốt đời chỉ yêu một người/ rằng căn bệnh ấy gấp mười ung thư”. Có hai việc quan trọng bạn đã làm đến nơi đến chốn trong đời là “lập thân” và “lập nghiệp”. Yêu và cưới một cô vợ xinh đẹp, kinh doanh giỏi, có hai đứa con ngoan, phương trưởng, có cháu nội cháu ngoại đề huề, sống Sài Gòn gần 30 năm, có nhà lầu, xe hơi, bản thân là một kỹ sư xây dựng có “số má” ở đất phương Nam.

Trong đám bạn bè của tôi - theo xét đoán của mẹ tôi - phần đông là “hư hỏng” chỉ có một số ít là “đàng hoàng”, trong đó bạn là mẫu người hoàn hảo, đáng học tập. Nghĩ cũng phải, bạn “trong sáng” như lau như ly - rượu không, trà không, thuốc không, bia bọt cũng không, là dân Quảng Nam mà không ưa cãi, chỉ biết nghe rồi tự đúc rút kinh nghiệm kiểu “tọa sơn quan hổ đấu” (ngồi yên trên núi nhìn hai cọp đấu nhau) - nghiệm ra bạn rất khôn, khôn vậy mới “mau giàu”. Tha hương nhưng tết nào cũng về. Về với mẹ vì bạn là con một, cha mất đã lâu. Bạn nói đời mình chỉ “bất hạnh” một điều là “bà già” (mẹ của bạn) không chịu vô Sài Gòn ở với con cháu. Mấy năm trước, bạn về đã “dụ” được mẹ bán miếng đất có ngôi nhà cấp bốn, nhưng mẹ bạn vô  Sài Gòn được dăm bữa nửa tháng lại đòi về, về không có nhà thì lên chùa ở, làm “công quả”… Bạn nói khổ quá ông ơi, đêm nào điện thoại không reo thì cũng thức, thức vì cứ nghĩ lung vì sao bà già không điện hay là có chuyện chi rồi, riết rồi cứ như người bị bệnh “ảo thanh” - một dạng “tâm thần” chứ phải “khơi khơi” đâu ông…

Hôm qua bạn rủ “đi nhậu”, ngạc nhiên, dù mình nói “mới bớt bịnh còn bị chống chỉ định bia bọt” nhưng bạn “nổ” - ông không uống đến ngồi coi tui uống. Vậy thì đi. Chắc bạn về chuyến ni có chuyện chi buồn. Hàn huyên với nhau, nói chuyện trên trời dưới biển, bạn uống liền tù tì, mình biết thân, biết phận thi thoảng “nhấp môi” lịch sự. Cuối buổi bạn kêu tính tiền, xong, nói như khóc, lần ni tui về với mẹ tui luôn rồi… Vội hỏi “bình tĩnh, răng rồi?”. Bạn nói “thì chia tay Sài Gòn về với mẹ chứ răng”…

Tự dưng trên đường về mình đâm nhớ mẹ mình, nhớ mẹ của K. Một người bạn văn từng viết nguyên một cuốn sách, đặt tên là “những thằng già nhớ mẹ”. Nhớ mình gần hai mươi năm trước khi nghĩ về lý do Từ Thức trong truyện cổ vì nhớ trần gian mà bỏ cõi thiên thai, bỏ cả người tiên mà về trần có khi là do “nhớ mẹ”. Nhớ thằng già là mình năm ngoái, năm kia đây thôi, một hôm ngồi trên núi xa, quán gió đìu hiu, ngồi nghe em chi đó, đồng nghiệp trong ngành văn hóa hát “Mẹ tôi” của Trần Tiến “…mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình, dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ…”. Trời chiều xoay một cơn lốc đắng, chợt trông đỉnh núi mây mờ, nước mắt trào ra ướt mặt và “ngộ” ra vì sao Thu Bồn viết câu thơ “…mẹ đã mất không còn chi nữa hết, không còn chi ý nghĩa ở trên đời… một cách buồm đã vĩnh viễn xa khơi…”.

Ngày xưa có thầy Tử Lộ đội gạo thuê nuôi mẹ, trong tuồng thơ có nàng dâu hiếu thảo Thoại Khanh lấy dao “cắt thịt” mình, nuôi mẹ chồng, thì bạn về với mẹ là tự nhiên thôi - “phải về với mẹ ta thôi/ sợ mai ta chết mồ côi dưới mồ” (Đồng Đức Bốn). Chẳng biết mình nói rứa có đúng không và cớ răng là không đúng hỡi những thằng già thương mẹ - răng không lẫy Kiều - “như chàng lấy hiếu làm trinh”?...

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thằng già nhớ mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO