Tháng giêng hanh hao

TIÊU ĐÌNH 31/03/2013 08:44

Ông Huy ngồi uống ly nước mía, nhìn người ta sau tết đón xe vào lại miền Nam mà lòng cứ nghĩ đến cái cảnh chạy tránh bom đạn hồi còn chiến tranh. Hồi đó ông mới là cậu học trò cấp 2, theo cha chạy bộ dưới bom đạn hơn chục cây số mới về được nơi an toàn này. Người vùng núi đổ xuống, người thành phố ùn về tìm thân nhân, ngã ba Hương Ly đông nghịt những người, lính, xe và trâu bò. Cha ông, phận mình không kham nổi huống chi phải dắt theo một “con trâu - đầu cơ nghiệp” nhà nông nên đành lòng phải đem bán nó đi trong nước mắt. Ôm mớ tiền bán trâu, ông khóc: “Cha đi về với bom đạn không biết sống chết lúc mô, tiền ni chừ biết làm chi đây, cất ở mô đây?”.

Chiếc xe khách tấp vèo vào lề đường, thắng gấp. Phụ xe nhảy phóc xuống và đám hành khách nhanh chóng bu quanh để mặc cả giá vé. Trên xe  đã kín chỗ ngồi. Giữ hành lý cho con trong quán nước, ông Huy không biết chủ, khách nói với nhau những gì mà sau đó nghe phụ xe hô một tiếng “chạy đi!” tỏ vẻ bất cần. Chiếc xe từ từ lăn bánh, hai người khách chạy theo một đoạn, cho đến khi xe dừng lại, phụ xe đưa tay hối hả kéo mạnh hai người  lên xe.

Ngã ba Hương Ly khó mà giải hết lượng người chờ xe trong ngày. Có người ôm con trong lòng mà mắt vẫn liu thiu ngủ, có người mặc nhiên mở bánh ra ngồi ăn giữa đường; có người cẩn thận kiểm tra lại các gói hành lý lớn nhỏ bằng vải, bằng ni lông, rồi xếp chúng gọn gàng hơn dưới gốc cây ven đường. Họ vẫn hy vọng, chờ đợi…

 Vợ chồng thằng con ông Huy và đứa cháu nội đã lên xe được từ hồi xế bóng. Ông nghe nhẹ người, nhưng lại thấy lòng chùng xuống, trống rỗng nỗi cô đơn khó tả. Trên xe máy về lại với căn nhà đời người, ông không cầm nổi những giọt nước mắt cứ lăn dài… Đời người bạc tóc chắc gì đã hết lo. Như ông chẳng hạn, ai cũng nói ông sướng, con cái thành đạt hết cả rồi, chừ chỉ chơi chờ chết chứ biết làm gì?! Vậy mà có khi nào ông thấy mình sướng đâu: việc gia đình, việc xã hội, việc tộc họ, cháu con… cứ bu bám, chất chồng lên nhau.

Chiều tháng giêng, nắng lạnh. Chưa bao giờ ông Huy thấy nắng hanh hao màu vàng hắt hiu đến thế. Chả bù với mấy ngày tết, con cháu tứ phương tụ về, nhà chật tiếng cười đùa rôm rả. Bữa đông khách chúng phải trải chiếu dưới nền gạch ngồi ăn nhậu, chuyện trò suốt đêm. Ông thì cũng cố căng tuổi già ra để sống cho vui với con cháu trong những ngày tết. Chúng nó kiếm sống tất bật cả năm nơi xứ người, được có mấy ngày tết thư giãn đầu óc, vô lẽ làm cha mẹ  mình không chiều được con cháu.

Giờ thì ông muốn được ngủ một giấc, ngủ cho no con mắt, bớt ong o cái đầu, mặc đồ đạc trong nhà cứ ngổn ngang như sau một trận lụt. Con Vàng dường như cũng thấy cô quạnh nên khoanh tròn vo trên hiên, dúi mõm vào bộ lông mượt, lim dim mắt. Mái nhà lợp ngói cổ, xây từ đời cha mẹ, còn thoảng vương chút nắng yếu ớt. Lá tre rụng xạc xào, gió bay đầy các lối đi. Cỏ dại, sau một tháng được giẫy sạch đến từng cọng nhỏ, đã bắt đầu nhú xanh, thách thức bàn tay tuổi già sức yếu của ông. Hoàng hôn trùm xuống nhanh, như tuổi đời, và lặng ẩn biết bao điều bí mật.

Điện sáng. Đối diện với ông Huy là tấm ảnh cưới kích cỡ lớn với nụ cười rạng rỡ của con trai và con dâu. Ông nhìn chăm chắm vào đó và cảm thấy cơn thèm ngủ vụt tan nhanh, hy vọng lại tràn về, dẫu đó chỉ là thứ hy vọng mơ hồ, không hình sắc. Giờ này không biết chúng nó đã vào đến đâu rồi? Đứa cháu nội mỏng mảnh của ông không biết có chịu đựng nổi với chuyến xe khách đường xa chật chội? Tự dưng ông Huy thấy xốn mắt và những giọt nước mắt lại lăn dài như đã từng lăn dài trong những đêm thao thức một mình. Vẫn cứ đứng tần ngần ở đó, ông Huy nghĩ về những lần vội vàng ăn uống, vội vàng đi đứng của con giữa cuộc sống hối hả bon chen của một thành phố lớn.

- Ông Huy ơi ông Huy, còn mấy chiếc nem, ta làm vài ly cho vui. Con cháu đi sạch rồi, buồn quá!

 Hai Luận vừa nói vừa giơ cao cặp nem gói lá chuối mới lấy trong tủ lạnh ra. Nhìn dáng hai Luận lủi thủi trong bóng tối nhá nhem, ông Huy giật mình. Dường như hơn nửa dân số của xóm núi Trầm Tây là những người đã mất sức lao động, sống đơn độc như ông, như hai Luận, mặc dầu nơi quê người con cháu làm ăn không đến nỗi tệ. Ông Huy vội kéo ghế, mang rượu ra, thêm đòn chả cắt còn dở dang. Vẫn chưa yên tâm, ông lại loay hoay mang tiếp nào là bánh, mứt, trái cây, hạt dưa, thịt heo… “Con cháu đi cả rồi, để lại làm chi nữa!”. Vả lại, ông cũng muốn uống, uống cho thoải mái một bữa với người cùng cảnh ngộ, cùng tâm trạng. Tuổi của ông có chút men vô người ngủ mới say giấc được.

Vậy mà quái lạ, men đã ngấm sao hai con mắt vẫn cứ ráo hoảnh. Trên trần nhà, lũ nhện đang hối hả giăng tơ làm lại cuộc sống sau những ngày hoảng loạn ẩn nấp. Trên bàn, ly, chén, rượu, thức ăn ngổn ngang. Mặc, ông đang cố thả lỏng cơ bắp chìm vào tịch liêu của đêm và lắng nghe ký ức kể chuyện đời người. “Lục thập nhi nhĩ thuận”, cổ nhân đã đúc kết như vậy mà sao một đời trải nghiệm ông vẫn thấy mình còn trẻ con quá. Thoáng vui thoáng buồn, như từng khóc ngất với làn roi mây mạnh tay lại cười te liền đó với tiếng gáy thanh thé của chú dế than.

“Niềm vui là thuốc quý của tuổi già”, thứ triết lý không mới đó của hai Luận và nắng chiều tháng giêng hanh hao đọng lại khá lâu trong đầu ông Huy. Thực ra ông Luận vẫn luôn trăn trở về xu thế xã hội và sự bất lực của mình: “Thời ni mà, có cản chi được chúng nó, ráng kiếm được mấy chữ bỏ bụng là chúng bỏ luôn xóm làng. Một năm được có mấy ngày tết, giỗ chạp, chúng dẫn về ào ào như ong vỡ tổ rồi lại ào ào ra đi. Anh nhìn quanh xóm mình đi, càng có của, càng nhà to vườn rộng càng cô đơn. Trong khi bầy con của Năm Thứ đó, học dở dang rồi đi làm thợ hồ hết lại quây quần đông đủ”. Hai Luận cứ cái đà ấy mà say sưa đa ngôn, đến khi bị hỏi vặn lại: “Rứa anh có chịu đổi cuộc đời con anh cho mấy đứa con của Năm Thứ không?” thì ông chỉ im lặng nâng ly rượu lên, hối cụng.

“Không biết giờ này con cháu đã vô đến mô rồi? Đường xa, xe cộ như kiến, nghe không yên tâm chút nào”. Những suy nghĩ đó đã tan chìm vào giấc ngủ về sáng của ông Huy thành giấc mơ nửa lo - nửa mừng, nửa hạnh phúc - nửa cô đơn. Sáng ra, người dân xóm Trầm Tây lại thấy ông Huy vô ra với ngôi nhà lớn và khu vườn rộng một mình. Ông giặt phơi áo quần, chăn gối, mùng chiếu… trắng cả cây sào dài. Nắng tháng giêng vẫn còn độ ẩm khá cao.

- Lại giặt sạch phơi khô bỏ bọc ni lông, cất đợi đến tết khác? - Tiếng Hai Luận từ bên kia hàng rào vọng qua.

- Nhiều khi cũng muốn đốt quách, đến tết mua lại mà nghe cũng tiếc! Như năm vừa rồi là bõ công, giữ gìn cả năm, về chúng nó nói hôi mốc lại chạy mua hàng mới.

Sau câu nói đó, ông Huy cảm thấy hơi chạnh lòng. Cảm giác như rượu tất niên năm ngoái uống chưa hết say, đã phải uống tiếp rượu tất niên năm này.

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng giêng hanh hao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO