(VHQN) - Tháng Giêng, những ngày xuân vội vã vụt qua như ánh chớp. Tôi rời mái nhà, hàng tre, giếng nước, bến sông yêu thương, mang theo tâm trạng ngổn ngang hòa vào phố thị.
Tôi gửi lại đó hồn mình với đám bạn thuở đôi mươi và cánh đồng tươi đẹp. Tôi gửi lại ngọn đồi cùng dòng sông thao thiết chảy về xuôi. Ở nơi ấy, lòng tôi như hạt phù sa trĩu nặng, phải chìm sâu xuống, in hằn vào đất mẹ vì một cuộc đời tươi tốt... Tháng Giêng là những tháng ngày buốt giá và khó khăn nhất của tôi với quê mình, xứ sở.
1. Làng Hạ bé nhỏ của tôi nằm ở triền sông Thu. Hai mùa mưa nắng, bắp lúa vẫn xanh rờn trước mặt. Những cơn gió nồm hây hẩy trưa hè đưa tôi vào giấc ngủ trưa dưới vòm tre bát ngát. Trai tráng làng tôi lớn lên bên nhánh sông hiền hòa như vậy. Núi cao và vực sâu đã hun đúc cho chúng tôi tình yêu quê tha thiết.
Nhiều cô gái về làm dâu xứ này, quan sát rồi bảo: “Đàn ông ở đây lãng mạn!”. Nhưng mọi chuyện không hẳn thế. Ai lớn lên ở thung lũng này cũng vậy thôi, làm sao có thể không yêu tha thiết quê mình khi mỗi ngọn rau, bông lúa, cành hoa, đều in hằn vào đó tình yêu không nói nên lời...
Tôi thường thắp nén nhang cho ba tôi rồi ra đi, quay lại công việc sau những ngày tết. Mẹ tôi vẫn đứng trước hiên nhà gửi mớ rau xanh, nải chuối, ít bánh trái bà tự tay làm cho mấy đứa cháu.
Nhìn cái dáng liêu xiêu lặng nhìn chúng tôi khuất nẻo, tôi biết mắt mẹ đã ngấn lệ. Tôi cũng vậy, nén vào trong những nghẹn ngào và ước gì có mùa xuân mãi vĩnh cửu bên mẹ.
Tôi với tay tắt bài nhạc xuân, vì lòng chẳng còn chút tâm trạng nào. Những cánh đồng lúa non mơn mởn đương thì con gái vụt qua trước mặt. Mùa này nước sông biếc một màu như ngọc, soi rõ hình sông bóng núi quê nhà. Quê hương như dải lụa thướt tha, nhưng tôi đành phải để lại sau lưng tất cả.
Cậu con trai nhỏ như biết tôi buồn nên thò đầu lên hỏi: “Chắc là ba muốn ở lại với bà nội mãi đúng không? Hay ba thích ra bờ sông ngồi với bạn ba suốt ngày đêm ngoài đó?”. Tôi cười không thành tiếng, nhưng giật mình bởi sự thấu hiểu của con trẻ. “Ba thích cả hai! Nhưng sau này lớn lên con sẽ hiểu!” - tôi giải thích.
2. Xe chạy qua triền dốc, những đồi sim tím ngắt trải dài, bên dưới những tầng hoa mua cũng xen vào sắc tím nhạt. Tôi khát khao tự do như những ngày chăn trâu hạnh phúc của mình. Khi đó, cả mùa xuân như dài bất tận. Tôi ngủ dưới những tán hoa sim tím ngắt và chờ mặt trời lên cao trong cái nắng hanh hao, bầu trời trong xanh dịu vợi.
Ngày tết, làng tôi vẫn giữ tục thăm nhau. Họ hàng kéo đến thắp nén nhang trên bàn thờ gia tiên. Họ thăm hỏi nhau sau một năm dài và cầu chúc những điều tốt đẹp cho nhau suốt một năm mới. Chính vậy mà mẹ tôi chẳng đi đâu cả, bà cứ quanh quẩn trong nhà chờ khách đến thăm. Rót ly nước chè xanh, vài đĩa bánh mứt, hạt dưa, có khi là chén rượu đầu xuân mời những người thân thiết tới thăm. Khi cha tôi còn sống, ông thường uống rượu với người quen, có khi say khướt từ ngày mùng 1. Mẹ tôi không biết uống rượu nhưng bà vẫn giữ nếp xưa như thuở ba còn sống. Bà rót chén rượu đầu năm mời khách.
Thế hệ chúng tôi có khác đôi chút. Vẫn nhớ quê nhà tha thiết nhưng không còn thăm nhau nhiều như trước. Thay vào đó, ngày tết, chúng tôi thường tụ tập ở bến nước đầu làng. Ở đó có đám con trai, con gái, đám choai choai, những anh chị làm ăn xa xứ không có dịp thăm nhau, cứ kéo ra đó ngồi là gặp nhau hết thảy.
Không biết từ bao giờ, dưới cái vòm tre cong vút tàn lá gần như che kín ánh mặt trời, nằm sát mé sông Thu đã thành nơi quây quần của thanh niên làng Hạ.
Hàng tre già oằn mình qua bão gió, chứng kiến chúng tôi lớn lên, rong ruổi rồi quay về. Mấy chị, mấy cô bán hàng nước cũng là hàng xóm quen biết cả. Bà gọi tên từng đứa, rôm rả kéo ghế mời ngồi.
Cái quán nhỏ bán đủ món ngày xuân từ cà phê, rượu bia, bánh mứt, hạt dưa, nước ngọt. Chúng tôi ngồi đó từ ngày sang đêm. Bếp lửa cứ bập bùng cháy, tiếng đàn khuya nhỏ giọt càng thiết tha, ly rượu vơi lại đầy... Rồi công việc lệ làng, chuyện giúp nhau học tập, lợp lại mái nhà cho những gia đình khó khăn, góp chút học bổng cho những đứa em đang dang dở trên con đường học tập cũng xuất phát từ đây. Cái bờ tre ở mé sông dần dà qua bao năm đã trở thành nơi không hẹn mà gặp.
Quê nhà, chốn níu giữ hồn người thật kỳ lạ. Bờ tre, đám ruộng, con đường mòn và những bông hoa tím ngát đã len lỏi vào tuổi thơ, theo hồn người bay mãi. Vậy mà tự bao giờ nó biến thành sợi xích níu hồn người, khiến ta nhức nhối mỗi độ tàn xuân.
Tháng Giêng, dòng sông vẫn thao thiết chảy về xuôi.