Theo như cách nhiều người đã làm, khi in tập thơ thứ 3 cho riêng mình, nhà thơ Đinh Huyền - hội viên Hội VHNT Quảng Nam, lấy tên của một bài thơ trong tập làm tên chung cho cả tập: “Ý tưởng xanh” (NXB Đà Nẵng, tháng 8.2020).
Nhưng có vẻ như “chìa khóa” của tập thơ không nằm ở cái tựa, ở bài thơ ấy, mà nó nằm trong bài thơ in ở trang cuối cùng của tập thơ - bài “Hà Nội trong tôi”. Là tình cảm tác giả dành riêng cho Hà Nội, song bài thơ này lại như là tín hiệu, như là sự khái quát về thủ pháp, về mạch cảm hứng tổng thể/chủ đạo của cả tập thơ: “Tôi làm cuộc hành trình/Buổi sáng đi ra với hai bàn tay trắng/Nhận và cho thuộc về đôi mắt/Ký ức ghi vào nơi trái tim”. Nói cách khác, “đi”, “cho”, “nhận”, “ghi”... bằng “đôi mắt” và “trái tim” chính là công - thức - thơ của tập thơ này.
Bằng “công thức” ấy, Đinh Huyền chắt lọc, ngưng lắng và tìm được cho riêng mình nhiều câu thơ hay. Ở hai tập thơ trước (Vọng nguồn - 2015; Giấc mơ màu diệp lục - 2018), anh đã áp dụng và ít nhiều thành công. Lần này, trong tập thơ “Ý tưởng xanh”, anh sử dụng triệt để hơn, nhuần nhuyễn hơn và do vậy, cũng có nhiều thành công hơn. Đó là sự tựu thành từ những chắt chiu, gom nhặt tảo tần thơm thảo: “mật ngọt của lá trong bát canh thơm bàn tay/dẻo thơm hạt gạo lóng lánh giọt mồ hôi gieo trồng/ nắng gió sương sa và mưa móc/ tạo tác tâm hồn/ tôi đầy đặn thêm trong cách nghĩ cách làm” (Ý tưởng xanh).
Đó là sự cả quyết, là thái độ sống tích cực, lạc quan, để nhân lên niềm tin: “Sót cụm hoa sau lũ/em nhân mùa lên xanh/niềm hy vọng/bừng tia nắng ngọt ngào” (Nhành xuân); để giữ cho mình, cho đời và cho thơ “ngọn lửa” khát vọng: “dù ngày tháng xanh xao mòn mỏi/hơi thở còn/không bao giờ tắt đi ngọn lửa” (Khát vọng)...
Chợt nghĩ, nếu không biết “nhận” vào mắt, không chịu “ghi” vào tim, người thơ Đinh Huyền hẳn sẽ khó có được ký ức đầy đặn và thẳm sâu để từ đó, tâm hồn anh thăng hoa và thơ anh cất tiếng. Như khi, như cái cách anh hòa tan mình vào quê hương, hóa thân cùng tình yêu và xứ sở: “Một bên sông - bên biển/Một bên em - bên anh/Giữa ngọt mặn trong xanh/Ta hóa thành Cửa Đại” (Cửa Đại). Như khi, như cách thức anh trở về với cánh đồng tuổi thơ, để nhận ra bao da diết gụi gần và ấm áp bởi tình quê hương máu thịt: “Thả rông giấc mơ trên cánh đồng có mẹ/Con cá rô thia giỡn bóng ao đìa/Chân đất đầu trần gió lộng/Cánh diều bay trên đỉnh sông Thu” (Cánh đồng thơ ấu)...
Chịu “ghi”, chịu “nhìn”, chịu “cho”, chịu “nhận”... để làm phong phú tâm hồn mình và làm đầy ký ức, Đinh Huyền ngày càng tự tin và chững chạc trong cuộc đưa thơ mình hòa nhịp cùng thơ ca quê xứ, bay bổng và hào sảng, tin yêu và tự hào, đĩnh đạc và lãng mạn... Chính ở đó, anh kiếm tìm thêm những “ý tưởng xanh” cho đời, cho mình và cho thơ, từ và ngay trong ký ức về quê nhà gần gũi và đầy yêu thương: “Quê nhà như thể bàn tay/dấu quê đau đáu đà say ân tình/vẳng nghe đất gọi tên mình/ngỡ chừng khúc hát hồi sinh bao đời” (Mắt chiều)...