Thăng hoa với tục thờ Mẫu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/12/2016 14:46

(QNO) - Trên đất nước Việt Nam, nhiều vùng miền đã hiện diện tục thờ Mẫu từ xa xưa. Quảng Nam cũng là địa bàn có sự hỗn dung văn hóa giữa tục thờ nữ thần và tín ngưỡng thờ Mẫu. Sự kiện UNESCO vừa vinh danh Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng làm thăng hoa giá trị của tập tục này.

Cuối tháng 3.2015, Việt Nam đã đệ trình hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới UNESCO để xét công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua hơn một năm, vào đêm 1.12.2016, tại phiên họp Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại Ethiopia, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biểu tượng thiêng

Mẫu/Mẹ, là khởi nguồn cho sự sinh nở, che chở, bảo bọc trong yêu thương. Con dân nước Việt cho mình sinh từ nòi giống Tiên - Rồng, dựng huyền thoại Mẹ Âu Cơ với trăm trứng nở trăm con, đã khái quát nghĩa đồng bào chung nguồn cội.

Người dân làng cộ nô nức trong lễ rước cộ.
Người dân xã Bình Triều (Thăng Bình) với lễ rước cộ Bà Chợ Được, tổ chức vào tháng Giêng âm lịch. Ảnh: MINH HẢI

Trong dân gian còn truyền tụng về ba vị nữ thần (tam phủ) là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn (mẫu địa) và Mẫu Thoải (thoại, thủy) là tiên giáng trần, chia nhau cai quản vùng trời, vùng đất (cả núi rừng), và vùng nước. Theo nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh, từ tục thờ Mẫu Tam phủ, lại có thêm hình tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mang nhiều yếu tố nhân thần, gần gũi, được thờ chung thành Tứ phủ. Và, theo bước lưu dân người Việt, tục thờ Mẫu lan tỏa dần, chịu ảnh hưởng của Đạo giáo và Phật giáo, hình thành các điện thờ ở nhiều vùng đất. Tục thờ Mẫu hiện diện ở Tây Bắc, Đông Bắc Bộ, tập trung ở Nam Định với hàng trăm điểm thờ cúng. Hai phủ lớn thờ Mẫu ở Bắc Bộ là phủ Giày (Nam Định) và phủ Tây Hồ (Hà Nội).

Nhiều công trình nghiên cứu có điểm nhìn chung là tục thờ Mẫu bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ, gắn với tục thờ nữ thần. Theo sách “Hội Chân biên”, in năm 1847, trong 27 vị thần tiên có nguồn gốc Việt thì có 17 tiên nữ, còn cuốn “Các Nữ thần Việt Nam” xuất bản gần cuối thế kỷ XX cho biết nước ta có 75 vị nữ thần tiêu biểu. Nguồn cội xuất thân nhiều nữ thần thuộc nhiều dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ nữ thần, thờ Mẫu không chỉ có ở miền Bắc. Nếu Bắc Bộ, nổi bật là thờ bà Chúa Tiên/Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thì miền Trung có bà Thiên Y A Na, Diễn Phi Chúa Ngọc (hỗn dung tục thờ nữ thần Ponagar của người Chăm, biểu tượng người mẹ đất nước, mẹ xứ sở), tới miền Nam lại có Linh Sơn Thánh Mẫu...

Tục thờ nữ thần hay thờ Mẫu, không chỉ có ý nghĩa thờ người mẹ sinh dưỡng con cái người Việt mà còn thể hiện ước mơ, niềm tin vào đấng thiêng có quyền năng che chở cho cuộc sống bình yên. Biểu tượng thiêng này tồn tại hàng nghìn năm, để bây giờ không chỉ có các miễu/miếu/điện thờ, mà ngày trong ngôn ngữ cũng còn lưu vết như từ “Cái” là Mẹ, là Lớn, là khởi nguồn. Người ta nói sông cái là chỉ sông mẹ, đường cái là đường chính, đường lớn tỏa đi khắp mọi miền.

Sắc thái ở Quảng Nam

Ảnh hưởng sắc thái Chàm trong tục thờ nữ thần, thờ Mẫu rất rõ nét từ Đèo Ngang trở vào. Nổi tiếng là Điện Hòn Chén ở Huế.

Ở Quảng Nam, vì có kinh đô xưa (Trà Kiệu), có thánh địa (Mỹ Sơn), phật viện (Đồng Dương), nên cũng ảnh hưởng nhiều sắc thái Chàm. Truyền thuyết về Bô Bô phu nhân là vị công chúa (hay nữ tướng) người Chăm có năng lực siêu nhiên, phù hộ độ trì cho cư dân bản địa tránh thiên tai, địch họa (tuy nhiên, lại có thuyết khác nói bà là nữ tướng nhà Lê, đánh giặc và hy sinh ở Phường Rạnh). Cách khu đền tháp Mỹ Sơn không xa là lăng Bà Thu Bồn, nơi truyền tụng là chỗ thi hài Bô Bô phu nhân từ Phường Rạnh trôi về tọa lạc, hiển linh. Bà đã được các vua nhà Nguyễn sắc phong là “thượng đẳng thần”, hàng năm tổ chức lễ hội bà vào mùa xuân, với lễ rước sắc, rước nước, đại tế...

lễ hội Bà Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên)
Lễ hội Bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên) được tổ chức vào ngày 12.2 âm lịch. Ảnh: HOÀI NHI

Phía sông Trường Giang, miệt đông Thăng Bình, nổi bật có lễ hội Cộ Bà Chợ Được. Tương truyền Bà Chợ Được là một tiên nữ giáng trần, mang tên tục là Nguyễn Thị Của, đã lập ra Chợ Được và phù hộ cho cư dân quanh vùng ấy được thịnh vượng, no ấm, bình an. Tháng giêng, sau Tết Nguyên đán, lễ hội Cộ bà Chợ Được thường tổ chức công phu, bài bản, với sự tham dự đông đảo cư dân, và hội này đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

GS. Phạm Đức Dương, trong công trình “Việt Nam - Đông Nam Á, ngôn ngữ và văn hóa” đã đề cập rằng, tục thờ Mẫu của người Việt đã hỗn dung với tục thờ nữ thần của người Chăm/Chàm để tạo nên các hình tượng thiêng trên vùng đất Quảng. Ở đất này, việc thờ nữ thần hay thờ Mẫu còn mang màu sắc dân gian chứ chưa hình thành hệ thống điện/phủ thờ bài bản như Bắc Bộ. Lễ hội gắn với tục thờ Mẫu ở miền Bắc thì gắn với hát chầu văn, hầu đồng, ở Quảng thì hát bội/hát bộ và đua ghe/thuyền.

Thay lời kết

Cần rất nhiều công trình khảo cứu công phu mới nói hết được giá trị của tục thờ nữ thần, thờ Mẫu của người Việt. Bài viết nhỏ này chỉ là sự chia sẻ nhân tin vui về sự công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của tín ngưỡng thờ Mẫu. Điều muốn nói thêm rằng, sự thăng hoa của một tín ngưỡng, gắn liền với các lễ hội, cho thấy một “bảo tàng sống” về các giá trị văn hóa dân gian sâu bền.

Thăng hoa hình tượng Mẹ đất nước, Mẹ xứ sở, là sự thiêng hóa một niềm tin và tình cảm của người Việt với cội nguồn dân tộc.

Xứ Quảng, nơi bảo lưu những nét đẹp của sự giao thoa, tiếp biến nhiều nền văn hóa, trong đó có sự hỗn dung, tiếp biến của tục thờ nữ thần và thờ Mẫu, đã giữ một nguồn mạch thiêng liêng mà ai trở về với vùng đất ven bờ Thu Bồn,Trường Giang đều ngưỡng vọng...

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng hoa với tục thờ Mẫu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO