Tác phẩm, tác giả

Tháng Tư, nhớ Trịnh

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 31/03/2024 08:32

Trong giới âm nhạc Việt, có một hiện tượng khá thú vị là hằng năm, tại hầu hết không gian ca nhạc lớn nhỏ trên cả nước đều tổ chức những đêm “Nhạc Trịnh” để tưởng nhớ ngày ông qua đời (1/4).

tcs3.jpg
Một tiết mục trong đêm nhạc tưởng nhớ Trịnh Công Sơn tại Vườn tượng Hội An. Ảnh: K.L

Những đêm nhạc tâm tình

Cũng như mọi năm, những ngày này ở các không gian ca nhạc chuyên lẫn không chuyên trên cả nước đều tổ chức chương trình tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Có thể kể đến như “Havena” (Hà Nội); “Bay Capital Da Nang Hotel” (Đà Nẵng); “Quê Nhà”, “Nalia Coffee”, “Không Gian Xưa”, “Dạ Quỳnh”… (TP.Hội An); “Gác Trịnh Café”, “Cung Đàn Xưa”, “Mộc Nhiên”… (TP.Huế); “Mây Lang Thang”, “Diễm Xưa”… (TP.Đà Lạt).

Ca sĩ Tấn Đạo, giọng nam chính trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề “Giữa trời hư không” được tổ chức tại Bay Capital Da Nang Hotel, Đà Nẵng, chia sẻ: “Nhạc Trịnh với tôi là những ký ức thời thơ ấu ở Hội An. Tôi may mắn được lớn lên trong không gian cổ kính, trầm mặc, bình yên đó. Thuở ấy, đi đâu tôi cũng được nghe nhạc Trịnh và nhạc của những nhạc sĩ trong nền tân nhạc Việt Nam.

Giờ đây, mỗi lần hát những ca khúc của Trịnh là một lần tôi thấy mình được tìm về ký ức của ngày cũ. Những chương trình tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cho tôi được sống lại trọn vẹn trong một không gian âm nhạc của Trịnh đầy cảm xúc, để tôi được đắm chìm vào giai điệu và tính triết lý trong ca từ của ông”.

Cô Trần Ánh Linh - chủ Không gian ca nhạc Nalia Coffee tại Hội An, cho biết: “Hằng năm, vào những ngày này không gian ca nhạc chúng tôi đều tổ chức đêm nhạc tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đơn giản vì chúng tôi và khách hàng quen thuộc đều là những người yêu nhạc Trịnh.

Nghe nhạc của ông, hát nhạc của ông chúng tôi như được chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn qua từng câu ca, giai điệu mà dường như Trịnh đã nói thay cho tâm trạng của chính chúng tôi trong lúc chơi vơi nhất”.

Còn mãi trong đời

Ngoảnh lại, vậy mà đã 24 năm ngày Trịnh Công Sơn lìa cõi trần thế. Trong giới âm nhạc Việt, có một hiện tượng khá thú vị là hằng năm, rất nhiều không gian ca nhạc lớn nhỏ trên cả nước và ngay cả tại các tư gia yêu thích âm nhạc, mọi người đều tổ chức những đêm “Nhạc Trịnh” để tưởng nhớ ngày ông qua đời. Đây quả là một điều đặc biệt hiếm thấy. Nhạc Trịnh có gì mà làm lay động lòng người đến vậy?

Thực sự, chỉ cần nghe qua những giai điệu “Tìm trong vô thường/ Có đôi dòng kinh/ Sấm bay rền vang/ Bỗng tôi thấy em/ Dưới chân cội nguồn/ Tôi mời em về/ Đêm gội mưa trăng/ Em ngồi bốn bề/ Thơm ngát hương trầm”, trong nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường”, thì xét riêng về mặt nhạc thuật cũng đủ để có thể xếp Trịnh ngồi chung chiếu với Văn Cao, Phạm Duy, những “tay tổ” trong làng nhạc Việt Nam. Chưa cần kể đến nhạc thuật trong những nhạc phẩm khác.

Mặt khác, chính sự đơn giản của những giai điệu ngắn dễ nhớ, dễ thuộc, không quá phức tạp, đã giúp nhạc Trịnh tiếp cận được với nhiều tầng lớp công chúng thưởng thức khác nhau.

Nhưng do vậy, cho dù có rất nhiều người biết, người hát, nhưng khó tìm được nhiều ca sĩ thành công khi hát nhạc Trịnh. Bởi chưng, nó quá “đơn”, quá “mộc” nên khó có đất để các nghệ sĩ có thể tung tẩy thành công những ca khúc của ông.

Nhưng trên hết, nhạc Trịnh được phổ biến một cách rộng rãi là nhờ ở ca từ. Đó là sự chắt lọc, cô đọng ngôn từ của một trí thức am hiểu lẽ sống, lẽ đời, lẽ người. “Hãy yêu nhau đi/ Khi rừng thay lá/ Hãy yêu nhau đi/ Dòng nước đã trôi xa/ Nước trôi qua tim đong đầy trí nhớ/ Ngày mai mong đợi/ Ngày sẽ thiên thu”.

Những ca khúc của Trịnh thay mọi người kêu gọi tình người, níu kéo những tâm hồn xa lạ lại gần với nhau, làm ấm áp những không gian xa vắng, để loài người biết yêu thương nhau hơn, trong một ngày dài cả thiên thu. “Hãy ru nhau trên những lời gió mới/ Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui/ Hãy kêu tên nhau trên ghềnh dưới bãi/ Dù mai nơi này người có xa người”.

Bằng sự chiêm nghiệm của một người từng trải, những xúc cảm cá nhân trong ca từ của Trịnh đã kết nối được xúc cảm của nhiều tầng lớp, thay công chúng nói lên những suy tư trong lòng họ. Từ đó, xóa đi những khoảng cách xa lạ, khiến mọi người thấy gần gũi hơn, yêu nhạc Trịnh hơn. Điều này dẫn đến sự tưởng niệm ngày mất của Trịnh hằng năm là điều không quá khó hiểu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi” (Để gió cuốn đi)...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng Tư, nhớ Trịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO