(QNO) - Trong dịp lễ Kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) và kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị (1972-2017), Báo Quảng Trị đã tổ chức cuộc gặp gỡ giao lưu với nhiều cơ quan báo chí và tổ chức nhiều sự kiện hướng về “miền đất lửa”.
Tri ân các anh hùng liệt sĩ
Tám giờ sáng một ngày cuối tháng 4. Mưa bay lất phất, dòng người khắp nơi vẫn ùn ùn đổ về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh).
Nhiều người không nhớ hết đã đến bao nhiều lần để thăm viếng đồng đội, đồng chí, người thân đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ; cũng có người mới lần đầu đặt chân đến đây nhưng tất cả đều có chung niềm xúc động khó tả.
Đại diện các cơ quan báo đảng địa phương đến viếng hương Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
Đoàn cán bộ Báo Quảng Nam viếng hương Đài Tưởng niệm của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. |
Hòa trong dòng người đến viếng hương các anh hùng liệt sĩ trong buổi sáng 28.4, ngoài cơ quan báo đảng địa phương các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Báo Kinh tế và đô thị, còn có cán bộ chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị; các thầy cô giáo một trường tiểu học đóng chân tại huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).
Bên phần mộ của các anh hùng liệt sĩ ngun ngút khói hương, các cô giáo cầm tay học trò thắp từng nén hương; nhiều cụ già lưng còng bước đi khó nhọc, dừng chân thật lâu bên phân mộ người thân của mình.
Cô trò một trường tiểu học tại huyện Cam Lộ bên phần mộ Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn |
Tôi tìm đến những phần mộ ghi địa chỉ “Quảng Nam - Đà Nẵng” nằm bên phải tượng đài Tổ quốc ghi công. Những cái tên gắn với địa danh Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành... Nhiều người nằm xuống khi tuổi đời mới mười tám đôi mươi.
Từng hàng mộ thẳng tắp nằm im lặng giữa nghĩa trang mênh mông, vắng lặng. Các thành viên của đoàn Báo Quảng Nam và các báo đảng địa phương khác đến đây viếng hương bên phần mộ, dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ đã hiến thân mình cho nền hòa bình, độc lập của đất nước hôm nay.
Cô và trò cùng viếng hương các anh hùng liệt sĩ. |
Theo tiếng gọi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, nhiều chàng trai cô gái năm ấy tình nguyện đi bộ đội hoặc vào thanh niên xung phong và vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường...
Theo Ban Quản lý nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, 80% các anh, các chị hi sinh ở lứa tuổi 18 - 22. Nơi đây có phần mộ của hơn 10.000 liệt sĩ, đã hi sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang này là “ngôi nhà” yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc Việt Nam, hình ảnh sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Khu Tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m tính từ cổng chính. Trong khuôn viên nghĩa trang có 6 bức phù điêu, được chạm khắc bằng đá ghi lại hình ảnh oai hùng các quân binh chủng bộ đội Trường Sơn. Giiữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi. Phía sau tượng đài có một cây bồ đề thiêng tự mọc. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố.
Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị viếng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. |
“Đêm hoa đăng” trên dòng sông huyền thoại
Tổng Biên tập Báo Quảng Trị (đầu tiên bên trái sang) Trương Đức Minh Tứ cùng các đồng nghiệp thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn. |
Đêm 28.4, sau khi viếng hương ở Thành cổ Quảng Trị, một nghi lễ “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn được tổ chức để các nhà báo thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ. Hàng trăm ngọn hoa đăng lung linh giữa dòng sông huyền thoại nhắc nhớ mọi người một thời “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Từ trong sâu thẳm, hai câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương bỗng ùa về: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Sông Thạch Hãn đã đi vào huyền thoại, nơi đã diễn ra chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị vào mùa hè 1972. Sử ghi lại: hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã nằm xuống trong thời gian vượt sông chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị.
Đêm hoa đăng trên sông Thạch Hãn. |
Nhà báo Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập Báo Quảng Trị cho biết, nghi thức thả hoa đăng, thắp nến…đã được tổ chức thường xuyên trên dòng sông Thạch Hãn ngoài ý nghĩa thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” tri ân các anh hùng liệt sĩ còn giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Nhiều năm nay, nhân dịp lễ Kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, hoàn toàn thống nhất đất nước (30.4) và kỷ niệm Ngày giải phóng Quảng Trị, lễ hội “Đêm hoa đăng” là một hoạt động truyền thống độc đáo của thị xã Quảng Trị. Nghi thức này lâu nay trở thành sản phẩm du lịch tâm linh độc đáo cùng với du lịch hoài niệm về chiến trường xưa.
Vận động 4,3 tỷ đồng xây dựng được 91 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo Dịp lễ 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4) và kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1972-2017), Báo Quảng Trị tổ chức Giải bóng đá Báo Quảng Trị 2017 - Cúp Trường Sơn; viếng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị; tổ chức “Đêm hoa đăng” trên dòng sông Thạch Hãn; chương trình “Gặp gỡ tháng 4” liên hoan, giao lưu giữa các cơ quan báo chí. Dịp này, Báo Quảng Trị còn trao tặng 2 nhà tình thương trị giá 100 triệu đồng; 2 con bò giống trị giá 20 triệu; 120 suất quà (mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng) cho các gia đình chính sách và các trường hợp khó khăn tỉnh Quảng Trị. Theo ông Nguyễn Tý - Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Trị ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị, Báo Quảng Trị thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động từ thiện. Từ năm 2012 đến nay, cơ quan vận động được 4,3 tỷ đồng xây dựng được 91 căn nhà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn và các đối tượng xã hội... |
TRẦN HỮU