Thanh Chiêm và Ngũ Giáp

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 23/04/2016 11:11

Làng Quảng Nam ở vùng đồng bằng như Điện Bàn, có lẽ được thành lập khá sớm khi còn thuộc đất Triệu Phong và có thêm nhiều làng mới từ sau khi có những cuộc di dân rầm rộ dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Chúng tôi thử khảo sát một vài làng tiêu biểu…

Trường hợp Thanh Chiêm

Xã Điện Phương huyện Điện Bàn bao gồm 11 làng cũ trước đây hợp lại. Đó là các làng: An Quán, Diên Bình, Đông Khương, Thanh Chiêm, Phước Kiều, An Nhơn, Vân Đông và Phú Chiêm (3 làng Triêm Đông, Triêm Nam, Triêm Tây ngày nay).

Đến năm 1945, Điện Phương được đặt tên là xã Trực Tiến; Phú Chiêm thuộc xã Chí Minh sau đổi thành Tam Phương. Tháng 11.1948, 3 xã Trực Tiến, Tam Phương và Cộng Hòa hợp lại thành xã Điện Minh. Sau 1954, phía cách mạng đổi thành  3 xã Điện Thành, Điện Châu và Điện Minh, cùng lúc đó, chính phủ miền Nam đặt tên là 2 xã Vĩnh Thọ và Vĩnh Phước. Sau năm 1975 các xã Điện Châu và Điện Thành hợp nhất thành Điện Hoàng nhưng đến 1976 đổi thành Điện Phương cho đến ngày nay.

Trong số các làng trên, Thanh Chiêm rộng hơn cả với 146 ha trên tổng số 1.024ha và dân số cũng đông hơn. Thanh Chiêm có nhiều di tích lịch sử như dinh trấn Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn, thành tỉnh Quảng Nam cùng trường Đốc từng đào tạo nhiều danh nhân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, có Văn Miếu thờ Khổng Tử và 72 vị hiền dưới triều Nguyễn, nhà thờ công giáo Thanh Chiêm (hay Andre Phú Yên) liên quan đến chữ Quốc ngữ…  

Cảnh giao thương tại dinh trấn Thanh Chiêm hồi thế kỷ 17 được mô tả trong bức Giao chỉ quốc mậu dịch hải đồ.Ảnh: Tư liệu
Cảnh giao thương tại dinh trấn Thanh Chiêm hồi thế kỷ 17 được mô tả trong bức Giao chỉ quốc mậu dịch hải đồ.Ảnh: Tư liệu


Nhà văn Nguyễn Văn Xuân từng viết: “Làng Thanh Chiêm nghèo nàn nhưng lúa rau xanh nghịt, nơi đã từng mọc lên một cách hiên ngang những thành quách vững chãi, của các chúa Nguyễn trên đường mở sinh lộ ở phương Nam (Hương Máu)… Theo gia phả tộc Trần làng Thanh Chiêm: “Làng Thanh Chiêm thuộc đất Hóa Châu. Tên làng được đặt từ các di dân Thanh Hóa. Thanh (hóa) và Chiêm (dinh Chiêm) . Làng có 7 bậc tiền hiền vào lập làng là ngài Võ Văn Nguyên (quyền Khâm sai) và tiền hiền 6 tộc Phạm, Nguyễn, Lê Viết, Nguyễn, Lý, Hà. Bia ngài tiền hiền tộc Võ còn ghi: “Đặc tấn phụ quốc tướng quân cự thống lĩnh mưu lược Hầu Võ Công chi mộ…”. Gia phả tộc Phạm ghi rõ: “Từ Bắc như lai du Trung Nam thổ chiếm Trầm Lai xứ, kiến tu điền bộ thiết lập xã hiệu Thanh Chiêm…”.

Làng Thanh Chiêm có một vị trí quan trọng trong lịch sử nên từ thời Nguyễn Hoàng trở đi đều đã cử Thế tử Nguyễn Phúc Nguyên vào lập dinh trấn để cai quản vùng đất mở rộng đến Bình Định (1602).
Về thương mại, từ xưa làng Thanh Chiêm có Chợ Quán vẫn còn ghi lại trong địa bộ cũ rất phồn thịnh, lại có các nghề truyền thống nổi tiếng như nghề đúc đồng, bánh tráng, mì Quảng… Chợ Quán ban đầu nằm ở giữa làng, sau dời ra bến đò trên sông Thu Bồn gọi là chợ Củi thịnh vượng đến cuối thế kỷ 19, cùng với chợ Phong Thử và Đo Đo được triều Nguyễn xếp hạng thuế thứ 9. Bến đò và chợ Củi đã bị xói lở. Dưới thời Ngô Đình Diệm chợ được đổi tên thành chợ Cầu Mống rồi chợ Tổng: Bao giờ cầu Mống gãy đôi/ Sông Thu hết nước em thôi thương chàng!

Điện Phương là một xã được hình thành từ nhiều làng; tên xã có nhiều lúc thay đổi nhưng tên các làng cũ vẫn còn được giữ lại thành đơn vị thôn là điều đáng mừng. Trong khi đó làng Thanh Chiêm lại mang đặc trưng là một “làng - phố thị phong kiến” đã tồn tại qua nhiều thế kỷ ở Quảng Nam. Các biến động hay tồn lưu về diện mạo và đời sống ở Thanh Chiêm trong 500 năm qua là một câu chuyện lý thú khi nghiên cứu về làng quê.

Từ Giáp thành làng

Vùng đất nằm giữa bắc sông Vĩnh Điện và nam sông Thanh Quýt xưa được chia làm 6 giáp: Từ Nhứt Giáp đến Lục Giáp, chạy theo hình cánh cung, trong đó một phần Lục Giáp vượt ra phía bắc sông Thanh Quýt (trong đó có Phong Ngũ hay Ngũ Giáp). Theo Quảng Nam xã chí, Điện Bàn còn có các Trại Quảng Lăng, Quảng Hậu. Trại và các Giáp đều bao quanh dinh trấn Thanh Chiêm về phía bắc và đông, phải chăng ngoài khai hoang sản xuất còn để bảo vệ thủ phủ của Quảng Nam ngoại trấn, hoặc có thể do số dân đinh chưa đủ để lập làng và do đó chưa có “xã hiệu”!

Tiến sĩ Dương Văn An viết Ô châu cận lục năm 1555 ghi có 66 làng ở Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong; đều không ghi các Giáp trên. Do đó có thể thấy Phong Ngũ hay Châu Phong và các làng thuộc 6 Giáp trên lập ra sau này từ các Giáp. Thật vậy, căn cứ vào văn bản Hán Nôm Bắc địa tấu từ mà tiến sĩ Hà Phụng (Tiền hiền tộc Hà Đức vào đất Quảng Nam trong thời kỳ nào? - Bản thảo đánh máy) sưu tầm từ gia phả của tộc Hà Phước làng Tứ Giáp thì 24 vị đại diện cho các Giáp trên đã lập văn bản này để kê khai ruộng đất và lập xã hiện lần lượt là: Phong Đại, Phong Trung, Ngọc Hoa, Châu Minh, Phong Niên, Khả Phong; tương ứng với Nhứt Giáp đến Lục Giáp.

Tiến sĩ Hà Phụng viết: “Sau năm 1556, Trấn thủ Quảng Nam Bùi Tá Hán ra lệnh cho các xã khai báo ruộng đất, kết quả khai canh, diện tích phân định cho các xã bao nhiêu… Các quan cấp dưới thực hiện việc đo đạc ruộng đất, kiểm tra hộ tịch, ra lệnh cho các tộc họ lập tông đồ…”.  Lúc này, gia phả tộc Trần (làng Nhứt Giáp) đã ghi lại bằng Hán tự : “Thông phân trị trại sở kỳ Chiêm…” (Lập tức chia lại trại sở trên đất cũ của Chiêm Thành, đưa người Thanh Nghệ vào đây. Sắp xếp công việc xong, nhà vua quy định việc làng xã…”.

Từ các nghiên cứu, đối chiếu gia phả, Hà Phụng xác định xã Phong Niên thành lập vào khoảng từ 1555 đến 1560. (sđd, trang 24-25). Phải chăng vì lý do đó, Dương Văn An đã không ghi tên làng này khi ông soạn Ô châu cận lục!

Từ Ngũ Giáp đến danh xưng làng Phong Ngũ trong lịch sử lần lượt như sau:

- Từ 1560: xã Phong Niên (Niên = Năm = Ngũ?), từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan đến năm 1900 là thôn Ngũ Giáp, thuộc xã Châu Phong; từ năm 1900 đến 1936: vẫn là thôn Ngũ Giáp, thuộc xã Châu Phong. Từ năm 1937: Làng Phong Ngũ cùng với các làng lận cận, thay từ Giáp thành Phong (dưới thời Bảo Đại). Từ năm 1954 đến 1975: thôn Phong Ngũ thuộc xã Thanh Trường (thời Ngô Đình Diệm).

- Từ năm 1999: thôn Phong Ngũ được chia thành 2 thôn Phong Ngũ Đông, Phong Ngũ Tây, lấy quốc lộ 1 làm ranh giới, thuộc xã Điện Thắng Nam.

Có lẽ làng Phong Ngũ, dù có nhiều lần đổi tên, có chia tách thành 2 thôn Đông và Tây nhưng về mặt địa vực thì cho đến năm 1999 và hiện nay, không có sự thay đổi nào. Trong những lần thay đổi, ta thấy các từ tố Phong và Ngũ luôn được giữ lại. Chính đấy là một điển hình về thay đổi tên làng mà các nhà nghiên cứu đều hoan nghênh vì nó giúp lưu giữ được các mối liên hệ với truyền thống…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh Chiêm và Ngũ Giáp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO