Một nhiệm kỳ thành công của Đảng bộ Sở GD-ĐT khi lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Sự nghiệp giáo dục Quảng Nam đã có nhiều nhiều bước chuyển tích cực.
Giờ học môn Tin của học sinh Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (Đại Lộc). Ảnh: X.PHÚ |
Nhiều năm qua Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm cao hơn mặt bằng chung của cả nước với hơn 97%. Tỷ lệ học sinh (HS) trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng khá cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước (năm 2013 tỷ lệ HS thi đỗ nguyện vọng 1 là 32,8%, năm 2014 là 35,1%). Số lượng giải tại kỳ thi HS giỏi quốc gia các năm qua đều tăng, như năm 2012 đạt 15 giải, năm 2013 đạt 16 giải, năm 2014 đạt 22 giải, năm 2015 đạt 27 giải, xếp thứ 3 trong 10 tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên; trong đó đáng chú ý lần đầu tiên Quảng Nam có giải nhất quốc gia môn Toán.
Vai trò hạt nhân
Những năm qua, GD-ĐT là một trong những ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án nhất. Nhờ đó, đã có tác động tích cực đến sự phát triển của sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam. Đến nay mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, sắp xếp lại phù hợp với hệ thống giáo dục quốc dân và tình hình thực tế của địa phương. Quy mô các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng. Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị dạy học, thư viện, phòng bộ môn được cải thiện rõ rệt và từng bước được đầu tư, phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Hiện cả tỉnh có 368 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 46% (tăng 7% so với cách đây 5 năm). Đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành phát triển cả số lượng và chất lượng. Tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đào tạo đạt khá cao, trong đó cấp học mầm non đạt 59,6%, tiểu học 87%, THCS 23% và THPT 6%.
Cơ chế hỗ trợ, đãi ngộ cho giáo viên và HS tại các trường chuyên được triển khai, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, phong trào HS giỏi, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho tỉnh. Việc thành lập mới Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông đã đáp ứng được nhu cầu học tập của con em ở các huyện, thị xã, thành phố phía bắc của tỉnh. Công tác phát triển giáo dục ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến không chỉ về mạng lưới trường lớp mà cả về chất. Chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và HS ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được chú trọng, góp phần làm cho chất lượng giáo dục miền núi từng bước được nâng lên đáng kể.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT, có được thành quả nêu trên là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh cũng như nỗ lực của toàn ngành, các địa phương. Trong thành công đó, vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo và chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ Sở GD-ĐT đã được phát huy. “Nhiệm kỳ 2010 - 2015 Đảng bộ Sở GD-ĐT đã tập trung được trí tuệ tập thể của toàn đảng bộ và sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, quần chúng tại đơn vị, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý. Đảng bộ sở đã có sự đổi mới về phương pháp chỉ đạo, kịp thời đưa ra các nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ về tinh thần tận tụy, vượt khó phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao” - ông Quốc nói.
Đổi mới căn bản, toàn diện
Cùng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ Sở GD-ĐT rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Bởi không chỉ là nhiệm vụ then chốt nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng trong quá trình lãnh đạo toàn diện các hoạt động, đây còn là điểm yếu của đảng bộ trong nhiều nhiệm kỳ trước đó. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, đảng bộ đơn vị tập trung vào việc tổ chức sắp xếp lại các chi bộ trực thuộc, từ 9 chi bộ sắp xếp lại thành 6 chi bộ trên cơ sở ghép đảng viên các phòng, ban vào các chi bộ một cách phù hợp với công việc đặc thù. Cùng với đó là phát huy tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Những chủ trương, chính sách mang tầm chiến lược của tỉnh, ngành đều được đảng ủy tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và các bộ phận chuyên môn của sở. Nhờ đó, trong 5 năm liên tục (2010 - 2014), Đảng bộ Sở GD-ĐT được công nhận trong sạch vững mạnh, điều mà trong cả 11 năm trước đó chưa một lần đạt được.
Sự nghiệp GD-ĐT đất Quảng thời gian qua đã có được những bước phát triển đầy tự hào, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, toàn ngành cần phải nỗ lực hơn nữa. Có thể nói, nhiệm vụ trọng tâm và mang tính bao quát của ngành giáo dục trong những năm đến là tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29 (4.11.2013) của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Những việc làm vừa qua chỉ là bước khởi động cho kế hoạch, chiến lược dài hơi sắp tới. Ông Hà Thanh Quốc chia sẻ: “Nhiệm vụ chính trị của đảng bộ đơn vị trong nhiệm kỳ tới là lãnh đạo thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Chương trình hành động số 28 (25.4.2014) của Tỉnh ủy Quảng Nam và Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12 (28.12.2012) của Tỉnh ủy về phát triển, nâng cao chất lượng GD-ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020. Cùng với đó, quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, tập trung nâng cao chất lượng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ để tiếp tục xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh”.
XUÂN PHÚ