Trong suốt cuộc nói chuyện, Lê Thị Hoàng Yến, 28 tuổi - chủ Công ty TNHH Bánh ngọt Song Khiêm (có địa chỉ ở TP.Hội An) luôn bày tỏ khát vọng đến một ngày nào đó, tại phố cổ này, cả người dân và du khách sẽ nghĩ đến cái tên Song Khiêm đầu tiên cho sự lựa chọn thưởng thức bánh ngọt...
|
Bà chủ Công ty TNHH Bánh ngọt Song Khiêm. Ảnh: XUÂN THỌ |
1. Chúng tôi gặp Hoàng Yến tại cửa hàng bánh ngọt Song Khiêm ở số 112 Phan Châu Trinh, khi Yến vừa xong cuộc họp nội bộ. Yến tương đối hoạt ngôn và tự tin với khả năng diễn đạt ngôn ngữ của mình. Có lẽ, đó là những yếu tố để giúp Yến có được thành quả như ngày hôm nay. Bởi trước khi bén duyên với công việc làm bánh, Yến từng làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện. Còn chồng Yến - anh Cao Văn Viễn, là một thợ làm bánh nổi tiếng trong một khách sạn lớn ở Hội An. Khi Yến sinh con trai đầu lòng, anh bàn với Yến thôi không làm sự kiện nữa, mà cùng nhau mở tiệm bánh, vừa chủ động được thời gian công việc, vừa có thời gian chăm sóc con cái, gia đình.
Năm 2012, vợ chồng Yến mở tiệm bánh. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, do không có nhiều vốn nên vợ chồng Yến phải mua lại máy móc, thiết bị làm bánh cũ từ một số nhà hàng, khách sạn. Những thứ này đã lạc hậu và vợ chồng Yến gần như làm bánh thủ công. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên sản phẩm của Yến không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Yến muốn xây dựng ý tưởng cho việc làm mới lại tiệm bánh của mình. “Nhưng chỉ là ý tưởng thôi, không thể thực hiện được, đơn giản là mình thiếu nguồn vốn” - Yến tâm sự.
Một thời gian sau, cô Luisa đến và tham quan cơ sở làm bánh của vợ chồng Yến. Anh Viễn vốn mồ côi mẹ, cha là thương binh. Lúc nhỏ, anh sống ở Trung tâm trẻ em đường phố Đà Nẵng và cô Luisa là một trong những người tài trợ và gắn bó với trung tâm này. Cô không bằng lòng với cơ sở bánh khi ấy của vợ chồng Yến. Cả hai biết điều đó và có nói về kế hoạch của mình nhưng không thể triển khai do thiếu vốn. Cô Luisa gợi ý cho Yến xây dựng kế hoạch cụ thể cũng như viết thư xin tài trợ vay vốn từ Tổ chức Xin chào của Thụy Sĩ và được đồng ý với mức vay 150 triệu đồng. Đó là món quà cuối cùng mà tổ chức này dành tặng cho Việt Nam; bởi sau khi cho Yến vay, họ đã rút về nước.
2. Có vốn, vợ chồng Yến mua máy làm bánh mới, rồi tìm tòi, biến tấu thêm dựa trên công thức làm bánh theo phong cách châu Âu đã được học. Với những loại bánh mà đối tượng phục vụ là người Việt, gia vị cũng thay đổi cho hợp với khẩu vị, chẳng hạn như giảm độ béo, tăng độ ngọt… Tất cả được tính toán kỹ lưỡng từ đầu vào, để đầu ra thật sự chất lượng. Một trong những kế hoạch tiếp thị táo bạo của hai vợ chồng là bỏ bánh miễn phí cho các khách sạn trong thời gian dài. “Yến đến gặp các chủ khách sạn, nói rằng muốn họ dùng thử miễn phí sản phẩm bánh Song Khiêm. Nếu thấy ngon và kinh doanh được sẽ hợp tác lâu dài” - Yến nhớ lại.
Ngoài ra, Yến cũng tính toán kỹ thị trường của mình. Bởi theo quy định, những khách sạn chuẩn 4 sao quốc tế trở lên, đều phải có máy làm bánh và thợ làm bánh riêng. Đối với những khách sạn 2 - 3 sao, chi phí cho máy làm bánh và thợ làm bánh luôn là vấn đề đau đầu đối với chủ khách sạn. Do đó, Yến tập trung vào thị phần này. Một thời gian sau, các chủ khách sạn rỉ tai nhau về nguồn bánh mà Yến cung cấp. Đó chính là kênh quảng cáo hiệu quả nhất, mang đến sự thành công của thương hiệu bánh ngọt Song Khiêm bây giờ. Khi gần như các khách sạn từ 2 - 3 sao ở Hội An đều lấy nguồn bánh từ công ty này.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ năm 2014 đến 2017, từ một tiệm bánh manh mún, đến nay vợ chồng Yến đã gầy dựng nên công ty chuyên cung cấp bánh ngọt cho các khách sạn, nhà hàng ở Hội An. Khởi đầu là một tiệm bánh nhỏ lẻ, đến nay Song Khiêm ngoài xưởng làm bánh ở số 52/2 đường 18.8, còn có 2 cửa hàng bán bánh ở số 112 Phan Châu Trinh và 34 Thái Phiên. Với 24 nhân lực, trong đó có 10 thợ làm bánh, 10 nhân viên đi giao bánh cho các khách sạn. Yến cho biết nhằm đáp ứng tốt việc giao bánh cho khách sạn, Yến đã đầu tư xe tải loại nhỏ, có thiết kế phù hợp với việc vận chuyển và giao bánh. Việc giao bánh cho đối tác đúng hẹn, luôn là phương châm mà Yến đặt ra cho công ty của mình. “Ngay cả tháng 12 năm ngoái, có hai đợt nước lụt dâng lên, nhưng bên Yến vẫn chèo thuyền giao bánh cho các khách sạn ở những nơi bị ngập. Vì vậy mà các đối tác rất tin tưởng” - Yến cho hay.
3. Để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng Yến đã phải nỗ lực rất nhiều, nhất là tinh thần vượt khó. Như trên đã nói, anh Viễn chồng Yến là trẻ mồ côi mẹ. Anh lớn lên ở Trung tâm trẻ em đường phố Đà Nẵng rồi được cho đi học làm bánh. Khi về làm cho một khách sạn ở Hội An, Viễn gặp anh Pháp là cậu ruột của Yến. Thương hoàn cảnh bạn, anh Pháp rủ Viễn về ở cùng cho đỡ tốn tiền trọ. Còn Yến lớn lên trong vòng tay ông bà ngoại và các cậu mợ. Bởi lúc sinh ra Yến chưa từng gặp cha, còn mẹ vài tháng sau cũng bỏ đi biệt xứ. Có lẽ, sự tương đồng về hoàn cảnh đã giúp vợ chồng Yến đồng cảm, sẻ chia và không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Nghĩ về thời gian khó của mình, Yến luôn tìm cách để bánh Song Khiêm với giá thành rẻ nhất có thể. Đó là lý do vì sao ở cửa hàng của Yến có những chiếc bánh có giá chỉ từ 3.000 đồng. Còn thời gian rảnh, Yến dành cho công tác thiện nguyện, chỉ với một quan niệm là san sẻ với mảnh đời khó khăn. Thành công hôm nay của họ, có lẽ sẽ là nguồn cảm hứng cho rất nhiều người vượt khó để lập thân, lập nghiệp.
XUÂN THỌ
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP - SÁNG TẠO”