Thành lập Bệnh viện Mắt Quảng Nam: Cơ hội và thách thức

NGUYỄN DƯƠNG - THANH VIỆT 17/01/2018 13:56

Ngày 29.12.2017, UBND tỉnh có quyết định thành lập Bệnh viện Mắt Quảng Nam trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Mắt Quảng Nam. Đó cũng là cơ hội và thách thức cho đội ngũ y bác sĩ ở đây trên tiến trình trở thành bệnh viện chuyên khoa.

Bệnh viện Mắt đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho người dân trong vệc khám chữa bệnh. Ảnh: DƯƠNG VIỆT
Bệnh viện Mắt đi vào hoạt động tạo thuận lợi cho người dân trong vệc khám chữa bệnh. Ảnh: DƯƠNG VIỆT

Thuận lợi khám chữa bệnh

Tại Quảng Nam, qua điều tra đánh giá tình trạng mù lòa có thể phòng tránh được (RAAB) của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2012, tỷ lệ mù 2 mắt ở người từ 50 tuổi trở lên tuy có giảm so với 2007 nhưng số mù lòa hiện vẫn còn nhiều. Ước tính còn khoảng 10.236 người mù 2 mắt vì các nguyên nhân khác nhau (chiếm 0,68% dân số), tỷ lệ thị lực thấp 2 mắt khoảng 3.9% dân số. Hiện toàn tỉnh vẫn còn khoảng 10.236 người mù 2 mắt do các nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân gây mù chính là đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật (74%), chưa kể số trường hợp mắc mới hằng năm ước tính 0,1% dân số (hơn 1.500 ca). Trong khi đó bệnh đục thể tinh thủy cần phải được quan tâm can thiệp sớm để tránh các biến chứng về sau, do vậy nhu cầu phẫu thuật đục thủy tinh thể hàng năm tăng lên ít nhất 10%. Ngoài ra, theo khảo sát, tỷ lệ mắc tật khúc xạ là 11,1% dân số, glocom (cườm nước) khoảng 6,5%, bệnh mắt hột khoảng 1,7%, bệnh võng mạc do đái đường ở người lớn có chiều hướng gia tăng.
“Vì vậy, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Hàng năm, tổng số lượt bệnh nhân khám và điều trị về mắt trong tỉnh hơn 90.000 lượt người; dự báo những năm đến nhu cầu khám chữa bệnh và các dịch vụ chăm sóc mắt ngày càng tăng hơn nữa. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế chuyên sâu về lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Vì vậy, việc phát triển Trung tâm Mắt thành Bệnh viện Mắt là nhu cầu rất thiết thực” - ông Nguyễn Văn Hai- Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có khoảng 31 bác sĩ chuyên khoa mắt (tuyến tỉnh: 22 bác sĩ, tuyến huyện 9 bác sĩ). Từ 8.2013, Trung tâm Mắt đi vào hoạt động đến nay đã khám cho hơn 30.000 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú hơn 3.000 bệnh nhân, phẫu thuật 2.790 ca các loại, trong đó chủ yếu là đục thủy tinh thể, glocom, mộng, quặm... “Tuy nhiên với quy mô này không thể đáp ứng nhu cầu thực tế của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều bệnh lý phức tạp về mắt, lĩnh vực nhãn nhi, các bệnh lý về thần kinh võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường... phải chuyển tuyến trên gây khó khăn. Vì thế, khi thành lập Bệnh viện Mắt với đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật tiên tiến sẽ là cơ hội lớn cho người dân trong tỉnh được thụ hưởng trong quá trình khám chữa bệnh”, ông Dương Tấn Hùng - Giám đốc Bệnh viện Mắt Quảng Nam nói.

Nhiều thách thức

Bệnh viện Mắt được đầu tư nâng cấp lên với khu hành chính và các khoa phòng điều trị. Dự toán tổng mức đầu tư gần 69 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ hơn 52 tỷ đồng và tổ chức FHF tài trợ hơn 16 tỷ đồng. Hiện nay, bệnh viện đã được đầu tư hơn 26 tỷ đồng mua sắm các trang thiết bị tiên tiến phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Với sự ủng hộ và hỗ trợ từ UBND tỉnh, việc tiến hành thành lập Bệnh viện Mắt gặp nhiều thuận lợi. Hiện nay, bệnh viện có 30 giường bệnh với 36 y bác sĩ, điều dưỡng. “Nếu tính theo chuẩn thì hiện nay bệnh viện đã đảm bảo được số bác sĩ phụ trách chuyên khoa (9 bác sĩ). Nhưng theo lộ trình, khi bệnh viện xây dựng lên quy mô 50 giường bệnh với tổng số chừng 57 y bác sĩ thì cần phải bổ sung thêm 20 người nữa” - bác sĩ Dương Tấn Hùng thông tin. Đó cũng chính là vấn đề được quan tâm hiện nay, bởi theo bác sĩ Hùng, việc thu hút bác sĩ về đây vẫn chưa thể phát huy hiệu quả, đa số vẫn chỉ từ nguồn nhân lực hiện có rồi đào tạo dần lên. “Trước mắt, cần phải có thêm 3 bác sĩ nữa để đảm bảo phục vụ tốt cho người bệnh nhưng đây vẫn là điều khó khăn khi chưa tìm được người phù hợp” - bác sĩ Hùng nói.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt là đơn vị không được phân bổ đầu thẻ bảo hiểm y tế nên lượng bệnh nhân khám chữa bệnh ban đầu còn hạn chế. Được biết, hiện nay ngoài công tác khám chữa bệnh, lực lượng tại bệnh viện còn làm thêm công tác dự phòng. Hàng tháng tổ chức khám sàng lọc 4 lần tại các địa phương cụ thể. Đa số người dân được điều trị tại chỗ, hoặc đến trung tâm y tế huyện để khám chữa bệnh, chỉ trừ bệnh nặng mới chuyển tuyến. Chính vì không thể chủ động trong số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh ban đầu nên việc bệnh viện dần tiến vào lộ trình tự chủ tài chính cũng là một khó khăn. Theo bác sĩ Hùng, ngân sách rót về cho bệnh viện khoảng 1,2 tỷ đồng mỗi năm chỉ đủ trả lương trong 6 tháng cho các y bác sĩ. Còn lại, bệnh viện phải tự cân đối để chi trả phù hợp. “Vì chưa thể chủ động số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh nên nguồn thu chưa nhiều nhưng chi ra lại lớn hơn. Đây cũng là một vấn đề rất khó khăn” - bác sĩ Hùng thông tin thêm.

Nói về những khó khăn này, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã có những phương án cụ thể để giải quyết những vướng mắc cho bệnh viện. “Cả về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến hỗ trợ chi phí cho bệnh viện để dần dần cải thiện tình hình cũng được tính toán. Thành lập Bệnh viện Mắt phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh hiện nay nhưng làm sao để phát huy được tối đa hiệu quả mới là điều quan trọng” - ông Hai nói.

NGUYỄN DƯƠNG - THANH VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành lập Bệnh viện Mắt Quảng Nam: Cơ hội và thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO