(QNO) - Ngày 1/11, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh Quảng Nam năm 2023 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu làm Chủ tịch Hội đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thanh Quang làm Phó Chủ tịch Hội đồng và 9 thành viên.
Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi tỉnh có trách nhiệm trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp bằng chứng nhận danh hiệu cho nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương đạt tiêu chuẩn.
Mục đích nhằm khuyến khích, động viên, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi ở địa phương trong việc khôi phục nghề truyền thống, du nhập nghề mới để phát triển sản xuất góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Khuyến khích, động viên người lao động có tay nghề, phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi thi đua nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế và kỹ - mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Phát triển ngành nghề, làng nghề gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề; bảo vệ môi trường gắn với công tác xây dựng nông thôn mới.
Đối tượng được xét tặng là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam, đang trực tiếp làm việc trong lĩnh vực ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Người có công đưa nghề về địa phương không nhất thiết phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Nam.
- Tiêu chuẩn nghệ nhân: Là thợ giỏi tiêu biểu xuất sắc của địa phương, có thâm niên trong nghề tối thiểu 10 năm, có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác, thiết kế được ít nhất 3 mẫu sản phẩm mà người thợ lành nghề khác không làm được.
Đã trực tiếp làm ra được 5 sản phẩm đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Có sản phẩm, tác phẩm đạt giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội nghề nghiệp tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.
Có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 50 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều thợ giỏi tại địa phương…
- Tiêu chuẩn thợ giỏi: Là thợ lành nghề tiêu biểu của địa phương, có thâm niên trong nghề tối thiểu 5 năm, có khả năng sáng tác mẫu mã sản phẩm đạt trình độ cao mà người thợ bình thường khác không làm được.
Đã trực tiếp làm ra được 3 sản phẩm đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đạt giải thưởng trong các cuộc thi tay nghề, thợ giỏi cấp tỉnh hoặc quốc gia, quốc tế.
Những người không có điều kiện tham gia thi tay nghề, thợ giỏi thì phải có ít nhất 1 sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật cao, được nhiều người cùng ngành nghề thừa nhận, nhất trí suy tôn.
Có thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề; đã truyền nghề, dạy nghề cho tối thiểu 20 người hoặc được chính quyền địa phương, tổ chức xã hội nghề nghiệp công nhận đã truyền nghề, dạy nghề được nhiều lao động tại địa phương…
- Tiêu chuẩn người có công đưa nghề về địa phương: Nghề được du nhập về địa phương là nghề mới mà ở Quảng Nam từ trước đến nay chưa có, hoặc nghề truyền thống trước đây ở địa phương đã có nhưng bị mai một nay được khôi phục phát triển.
Thu nhập của người lao động làm việc trong ngành nghề mới phải bằng hoặc lớn hơn mức thu nhập trung bình của các nghề khác đã có tại địa phương và hoạt động sản xuất ổn định từ 3 năm trở lên, tính đến ngày đăng ký xét tặng.
Sản phẩm được thị trường chấp nhận. Nghề mới có khả năng thu hút được nhiều lao động (tối thiểu 50 lao động đối với nghề mới hoặc 30 lao động đối với nghề truyền thống)…
(Theo Quy chế xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành năm 2013).