Chiều 25.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân làm việc với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học (TC, CĐ, ĐH) đóng chân trên địa bàn tỉnh về việc thành lập mới các khu cách ly tập trung dành cho người Việt về từ nước ngoài và người nghi nhiễm Covid-19.
Trường học sẵn sàng
Tại cuộc họp, bà Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quảng Nam cho biết, nhà trường có 5 khu ký túc xá (KTX), trong đó có 1 khu KTX dành cho sinh viên Lào. Hiện nay tất cả sinh viên Lào đã về nước, trường đã thông báo cho sinh viên không qua lại, chờ thông báo mới. KTX của nhà trường có tổng cộng 1.038 giường (168 phòng), có đầy đủ phòng vệ sinh.
“Hiện nay sinh viên nghỉ học về quê còn để lại đồ đạc, nên nếu tỉnh trưng dụng thì nhà trường sẽ huy động lực lượng dọn dẹp đồ đạc cho vào kho, trưng dụng KTX làm khu cách ly, chỉ cần trang bị lại thiết bị cần thiết và phun khử trùng sát khuẩn là dùng được” - bà Phương Anh nói.
Tại Trường CĐ Y tế Quảng Nam hiện có 100 phòng dành cho cán bộ, giáo viên và sinh viên, mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng. Nếu tỉnh trưng dụng thì nhà trường sẽ cho giáo viên, sinh viên đang còn ở dọn dẹp đồ đạc để về quê, nếu tính theo đúng khoản cách tiêu chuẩn phòng lây nhiễm bệnh thì mỗi phòng sử dụng được 4 giường.
Trường CĐ Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam có 4 khu KTX ở 4 tòa nhà riêng biệt, tổng cộng 160 phòng (trong đó sử dụng được 132 phòng), đang bố trí 3 giường đôi/1 phòng nên có 780 giường. Mỗi phòng đều có nhà vệ sinh riêng. Khi học sinh về, KTX đều đã được nhà trường tiến hành phun khử trùng, nên chỉ cần dọn dẹp là có thể trưng dụng làm khu cách ly.
Tại huyện Nam Giang, theo kế hoạch, Trường TC nghề Thanh niên dân tộc miền núi tỉnh sẽ là cơ sở đón người Việt từ Lào về. KTX có 90 phòng, nhưng do hư hỏng nên sử dụng được 50 phòng, mỗi phòng bố trí được 4 giường 2 tầng, khả năng tiếp nhận được 400 người, mỗi phòng đều có khu vệ sinh riêng. Nhà trường luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi tỉnh trưng dụng làm khu cách ly tập trung cho người từ Lào về.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Là huyện biên giới nên địa phương xác định sẽ có nhiều người từ Lào về gồm kiều bào và người lao động đi làm ở Lào. Trung tâm Y tế huyện và Phòng khám Đa khoa Chà Vàl có thể dùng làm khu cách ly y tế, trường trung cấp nghề của tỉnh đóng trên địa bàn huyện cùng một cơ sở nữa có thể bảo đảm cách ly tập trung cho 650 người. Nếu số lượng người về trên 1.500 thì rất khó khăn, đề nghị tỉnh tăng cường nhân lực, nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật dụng, xe vận chuyển người đến khu cách ly”.
Chốt chặn khu vực biên giới
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện nay người lao động Việt Nam đi làm việc bất hợp pháp ở Thái Lan và Lào với số lượng lớn, nếu họ về thì sẽ vượt biên bất hợp pháp, nên tình hình biên giới rất căng thẳng. Bộ đội Biên phòng tỉnh phải tăng cường lực lượng kiểm soát vùng biên giới cả đường bộ và trên biển. Toàn tỉnh có 14 khu vực phải chốt chặn ở biên giới, chắc chắn sẽ có số lượng người Lào vượt biên về (dự kiến khoảng 200 người). Số người vượt biên này Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ chốt chặn, giao cho Nam Giang cách ly. Có 2 công ty đã thông báo sẽ đưa từ 900 - 1.000 người về qua cửa khẩu biên giới, nên Bộ đội Biên phòng tỉnh phải sẵn sàng tiếp nhận công dân qua cửa khẩu, sau đó giao lại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị sẵn xe đưa người đi cách ly tập trung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị các trường ĐH, CĐ, TC trên địa bàn tỉnh khẩn trương dọn dẹp các phòng, bàn giao cho tỉnh thành lập các khu cách ly tập trung. Sở Tài chính và các địa phương cấp kinh phí mua sắm vật dụng cần thiết; lưc lượng công an, quân sự tiếp quản các khu cách ly; riêng Trường TC nghề Thanh niên dân tộc miền núi giao huyện Nam Giang tiếp quản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định 2 tuần tới là thời gian rất quan trọng, việc cách ly hết sức cấp thiết. Giao Bộ đội Biên phòng tỉnh tập trung cho nhiệm vụ chốt chặn chặt chẽ tuyến biên giới, nhất là nắm được những khu vực có khả năng có người vượt biên để chặn từ đầu, khi tuyến đầu quản lý tốt thì mới đảm bảo an toàn cho cộng đồng.