Thành lập trung tâm thiết kế sản phẩm thủ công: Cơ hội cho các làng nghề

TRƯƠNG CHI 16/05/2014 11:00

Mô hình trung tâm hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm thủ công được UBND tỉnh, Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đề xuất thành lập với mong muốn hỗ trợ các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

TẠI hội thảo tổng kết dự án “Phát triển sản phẩm thủ công dấu ấn tại các khu di sản thế giới tỉnh Quảng Nam” được tổ chức vừa qua, vấn đề này được đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, đóng góp sôi nổi về tính khả thi, triển vọng khi trung tâm thiết kế và phát triển sản phẩm thủ công được thành lập. Ông Nguyễn Thanh Tài - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam cho biết: “Việc thành lập trung tâm nhằm nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm thủ công cho đội ngũ kỹ thuật viên, nghệ nhân của các làng nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường và mong muốn hỗ trợ các làng nghề phát triển bền vững”.

Những bất cập từ các làng nghề truyền thống hiện nay cũng được nhìn nhận một cách nghiêm túc để phân tích sự cần thiết nên thành lập mô hình trung tâm thiết kế và phát triển sản phẩm thủ công nhằm làm “bà đỡ” cho làng nghề. Theo các đại biểu tham gia buổi thảo luận, những bất cập chung tồn tại ở các làng nghề hiện nay như: nghệ nhân có kỹ năng nghề cao nhưng thiếu người sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Còn bị động trong việc mời chuyên gia quốc tế đào tạo nâng cao tay nghề. Bên cạnh đó các làng nghề còn thiếu hụt, không có kỹ năng trong việc điều tra, phân tích thị trường. Việc quảng bá còn mang tính đơn lẻ, thiếu chuyên nghiệp nên hiệu quả xã hội không cao…

Mô hình trung tâm thiết kế sản phẩm thủ công tỉnh Quảng Nam được đề xuất thành lập dựa trên mô hình phối hợp giữa UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL, Sở Công Thương, các địa phương, ban ngành liên quan với sự phối hợp, hỗ trợ của các tổ chức như Văn phòng UNESCO Hà Nội, Craft Link, Liên minh Hợp tác xã Quảng Nam, các trường mỹ thuật… Trong 3 - 5 năm đầu sẽ hoạt động dựa vào từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, các tổ chức hỗ trợ... Giai đoạn tiếp theo sẽ phát triển và hoạt động độc lập như một doanh nghiệp, hiệp hội, có thể tự thu - chi, chủ động nguồn tài chính… Khi đưa ý tưởng thành lập trung tâm này ra thảo luận, cũng có khá nhiều ý kiến e ngại khó khăn về vấn đề như nhận thức, tư duy của nhà quản lý và cả những người trực tiếp sản xuất, các cơ sở sản xuất còn thụ động trong tiếp cận thị trường, chưa chủ động liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra, ngại thay đổi… Tuy nhiên, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã đưa ra một góp ý chân tình: cũng như con kén muốn thành bướm cũng phải trải qua giai đoạn vất vả, khó khăn và cố gắng để phá vỡ vỏ bọc. Không thể nôn nóng, nhưng không vì khó khăn trước mắt mà e ngại. “Lạc quan trong cách nhìn nhận vấn đề, thái độ thực hiện và tâm huyết thực sự. Hãy suy nghĩ tích cực và hành động kiên trì” - bà Katherine Muller nhấn mạnh.

TRƯƠNG CHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành lập trung tâm thiết kế sản phẩm thủ công: Cơ hội cho các làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO