"Thanh lọc" doanh nghiệp

TÙY PHONG 11/06/2014 10:24

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã “biến mất” sau vài cuộc rà soát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam. Những thông tin về DN đói vốn, trong khi tín dụng không thể tăng trưởng được, vẫn đang làm “đau đầu” các cơ quan quản lý. Nhưng, cũng cần có một cuộc “thanh lọc” để giảm bớt những DN vốn không thể “sống” nổi trong lúc khó khăn hiện nay.

Nhiều kế hoạch đối thoại, kết nối dự tính sẽ được tổ chức trong một vài ngày tới nhưng một điều rất dễ thấy là không một chính quyền nào đủ lực, đủ người để can thiệp vào chuyện nội bộ của ngân hàng hay DN. Sự có mặt của chính quyền chỉ đem lại sự yên tâm cho giới DN. Không thể buộc ngân hàng mở hầu bao vì lý do an toàn hệ thống thì bản thân DN phải tăng cường sức đề kháng, khả năng chịu đựng, sự sáng tạo, cải tiến ứng phó với thị trường để tăng năng lực cạnh tranh như một kháng thể nội tại của DN. Trước áp lực này cần một góc nhìn sâu hơn về số phận của DN, đặc biệt là các DN quản lý theo kiểu gia đình, thiếu quản trị hiện đại, chưa biết xây dựng các phương án kinh doanh mang tính thuyết phục và hiếm có dự án lớn… Thậm chí phải tính đến việc chấp nhận sự phá sản như một cuộc “lọc máu” DN.

Theo Cục Thống kê Quảng Nam, 95% DN Quảng Nam đều là nhỏ và vừa, có cả siêu nhỏ thì việc tiếp cận với các cơ quan tín dụng sẽ cực kỳ khó khăn. Tiếp cận vốn khó thì việc mở rộng sản xuất trì trệ là điều dễ hiểu. Theo số đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì đã xấp xỉ 6.000 DN, nhưng đến cuối tháng 12.2013, số còn lại chỉ khoảng hơn 3.300 DN. Con số này chứng minh một điều là DN Quảng Nam lập ra, phần nhiều là gia đình, ít hiểu luật, thiếu phương án kinh doanh và một số DN khi thành lập xong lại gặp khó khăn chung nên “chết”. Theo một thống kê khác, trong vòng 5 tháng qua, có đến 284 DN được cấp phép và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11%, xuất khẩu tăng 33%. Điều đó cho thấy tình hình “sức khỏe” DN và độ tăng trưởng không đến mức bi đát. Tại sao không thể đặt câu hỏi là vốn vay chỉ là một trong những “điều kiện cần”, và “điều kiện đủ” chính là DN phải tự kiểm tra, đánh giá, tìm câu trả lời cho bộ máy, nhân lực, sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay cần cải tiến sản xuất, kinh doanh hoặc tìm hiểu xem tài chính đã được phân bổ hợp lý chưa? Vì sao có rất nhiều DN “ra đi” nhưng vẫn có nhiều DN thành lập?

 Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, không ít DN thiếu chiến lược kinh doanh, tính chuyên nghiệp rất thấp, hoạt động kinh doanh mang tính cơ hội. Phổ biến là sống dựa ngân hàng, vay vốn ngân hàng để thực hiện những thương vụ ngắn hạn và rước lấy rủi ro lớn. Chính quyền, chắc chắn không đủ lực để cứu tràn lan, DN phải dựa vào nỗ lực chính mình để vượt khó và muốn tồn tại lâu dài thì phải thay đổi tư duy, có chiến lược phát triển bài bản. Một giai đoạn suy giảm là điều kiện cần để nền kinh tế đào thải những DN hoạt động không hiệu quả, quá phụ thuộc vào vốn vay, phụ thuộc vào đặc quyền, đặc lợi. Như vậy, phải chấp nhận hàng loạt DN phá sản theo quy luật khắc nghiệt của thị trường cũng là chuyện đương nhiên. DN phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế, nhưng đó cũng là sự sàng lọc để tồn tại những DN “mạnh khỏe” trong cơ thể của nền kinh tế.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Thanh lọc" doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO