Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã khởi kiện, bán thanh lý một số “tàu 67” sau quãng thời gian dài chủ tàu không thực hiện trách nhiệm trả nợ khi đã vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Tàn tạ tàu hiện đại
Triển khai Nghị định 67, tàu vỏ thép QNa-92345 gần 18 tỷ đồng dài 28m, rộng 7m, cao 3,2m, lắp máy thủy mới chính hãng Mitsubishi, công suất 830CV của ngư dân Lê Tuyến (xã Duy Hải, Duy Xuyên) được đóng mới, hạ thủy năm 2017 từ nguồn vốn vay hơn 90% giá trị con tàu của Agribank Quảng Nam.
Triển khai Nghị định 67, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng, giải ngân cho 65 chủ tàu đóng mới 63 tàu cá, cải hoán 2 tàu cá với doanh số cho vay hơn 719 tỷ đồng. Đến nay, doanh số thu nợ của các ngân hàng mới chỉ hơn 65 tỷ đồng, trong khi đó nợ xấu lên đến hơn 258 tỷ đồng.
Ông Tuyến rất kỳ vọng vào quá trình đánh bắt hải sản xa bờ khi con tàu vững chãi, trang bị đầy đủ các thiết bị hàng hải tiên tiến. Tuy vậy, liên tục sản xuất thất bát, ông Tuyến không đủ khả năng trả nợ ngân hàng. Đến nay, ông Tuyến đã bị Agribank Quảng Nam khởi kiện, kê biên tài sản, bán đấu giá, thanh lý để thu hồi nợ.
Tại xã Duy Vinh, Duy Xuyên, tàu vỏ thép QNa-93789 của ngư dân Phạm Hiên sau quá trình “nằm bờ” lâu ngày đã xuống cấp nghiêm trọng, boong tàu bong tróc nhiều nơi.
Mới đây, ông Hiên đã bán con tàu cho một người ở TP.Hồ Chí Minh với giá chỉ hơn 1,3 tỷ đồng. “Tàu 67” của ông Hiên cũng được đóng mới từ Nghị định 67 với hơn 90% vốn vay của BIDV Quảng Nam.
Ở xã Duy Vinh, còn có 3 “tàu 67” khác của các ngư dân Đỗ Văn Tiến, Trần Đậu, Đỗ Văn Thành đang được BIDV Quảng Nam bán thanh lý sau khi khởi kiện.
Ông Trần Đậu cho rằng, dù rất quyết tâm làm ăn nhưng do tàu vỏ thép có nhiều khuyết điểm, khó sản xuất, trong khi đó, nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa ngày càng bị suy giảm nên làm ăn thất bát. Bởi vậy, dù rất muốn trả nợ ngân hàng đúng hạn nhưng bất khả thi.
Chuyện chẳng đặng đừng
Theo quy định pháp luật, ngư dân vay vốn của ngân hàng để làm ăn, đến hạn phải trả nợ và khi để nợ xấu kéo dài, ngân hàng khởi kiện, bán thanh lý “tàu 67” để đòi nợ, thu hồi vốn là chuyện khó tránh khỏi.
Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam cho biết, ngân hàng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân làm ăn hiệu quả, từ giải ngân vốn vay đóng tàu đến sản xuất, cơ cấu lại thời gian trả nợ sau khi có nợ quá hạn. Thế nhưng đến nay, rất đáng tiếc khi ngư dân khai thác hải sản thua lỗ.
“Tàu 67” nằm bờ dài ngày, không được bảo dưỡng định kỳ, nâng cấp sửa chữa nên ngày càng xuống cấp. Ngân hàng thương mại đã nhiều lần làm việc với các sở, ngành, địa phương, chủ tàu để tìm lối thoát cho “tàu 67” nhưng chưa có hưởng giải quyết phù hợp. Thanh lý “tàu 67” ngân hàng sẽ gỡ gạc phần vốn đã cho ngư dân vay, nếu không thanh lý dần dần tàu sẽ chỉ còn là đống sắt.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số chủ “tàu 67” làm ăn đạt, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ tàu này trả nợ đúng hạn, tránh bị ngân hàng khởi kiện, bán đấu giá tàu cá để thu hồi nợ cho vay.
Để giúp các “tàu 67” đang gặp khó trong đánh bắt hải sản, ông Ngô Tấn đề xuất Tổng Cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) có giải pháp điều tra nguồn lợi, trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa, thông tin kịp thời, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả, thu được sản lượng khá ở mỗi chuyến biển.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Quảng Nam đề xuất Bộ NN&PTNT có giải pháp hỗ trợ các chủ “tàu 67” chuyển đổi ngành nghề phù hợp để sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến. Cùng với đó, mong các cơ quan trung ương hỗ trợ tài chính với các tổ chức tín dụng đang gặp khó do ảnh hưởng nợ xấu từ “tàu 67”.