Thanh mai trúc mã

LIÊU HÂN 04/04/2020 08:15

Tiêu đề bài viết hẳn không là từ ngữ quá đỗi xa lạ với bạn đọc, vì nó thường xuất hiện trên sách báo và thỉnh thoảng vẫn được dùng để tô điểm thêm cho câu chuyện về tình yêu, và thậm chí cả tình bạn, giữa hai người nam nữ quen thân nhau từ thuở nhỏ, khi hai chữ thẹn thùng chưa bước chân vào cái thế giới hồn nhiên của những tiếng cười trong các trò chơi thời thơ ấu.

Tình bạn thanh mai trúc mã.Ảnh: Internet
Tình bạn thanh mai trúc mã.Ảnh: Internet

1. Chắc không ít bạn đọc biết bốn chữ “thanh mãi trúc mã” xuất phát từ bốn câu thơ đầu trong bài Trường Can hành cực kỳ nổi tiếng Lý Bạch. Bốn câu đầu đó như vầy:

Thiếp phát sơ phú ngạch,
Chiết hoa môn tiền kịch.
Lang kỵ trúc mã lai,
Nhiễu sàng lộng thanh mai”

(Tóc thiếp mới xõa ngang trán, bẻ hoa đùa chơi trước cửa nhà. Chàng cưỡi ngựa tre lại, chạy quanh bờ rào giếng, tay cầm một cành mơ xanh trêu chọc).

Trường Can hành là một điệu hát thuộc nhạc phủ. Làng Trường Can hiện thuộc thành phố Nam Kinh. Ngày trước, đây là nơi tụ tập thuyền bè. Nội dung Trường Can hành đề cập tình cảm của những thiếu phụ nơi bến sông. “Trúc mã” là một thứ đồ chơi của trẻ em Trung Quốc thời trước. Đó chỉ là một khúc cây, một đầu có khắc hình đầu ngựa, đầu kia có khi khắc hình một bánh xe; đứa trẻ kẹp khúc cây giữa đôi chân rồi nhảy từng bước, giả bộ như đang cưỡi ngựa.

Ở thôn quê Việt Nam, loại “trúc mã” kiểu này, được làm bằng nhánh tre hoặc thậm chí bằng cái chổi quét nhà, không phải là không phổ biến. Nhiều đứa bé cưỡi ngựa kiểu đó với vẻ khoan khoái và trịnh trọng như những tay kỵ mã lão luyện cưỡi ngựa thật. Tâm hồn trẻ thơ rất kỳ diệu, chúng có thể biến những sự vật vô tri thành những sinh vật sinh động lạ thường.

Nhưng với chữ “sàng” thì có lẽ không ít người nhầm lẫn vì cứ theo mặt chữ mà hiểu. Hầu như tất cả thi tập đều dịch “sàng” là “giường”, vì đây là nghĩa phổ thông nhất của chữ “sàng”, như ta thường nghe qua các từ phổ biến như: long sàng, lâm sàng, đông sàng...

Ngày trước, khi đọc bài thơ này qua các bản dịch, tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó không ổn. Thử hỏi trước cửa (môn tiền) lấy đâu ra giường? Mà cưỡi ngựa tre quanh giường nghe cũng không thuận nghĩa. Có một số người lại dựa vào nội dung câu thơ để giải thích “sàng” ở đây là cái ghế ngồi, chứ không phải là cái giường, và cho rằng hai câu đó diễn tả hình ảnh hai đứa trẻ đang nô đùa, đuổi quanh cái ghế ngồi. Nghe cũng hay nhưng lại không hợp với hình ảnh đứa bé gái đang nghịch hoa. Vả lại cũng chẳng có cuốn tự điển nào giải thích “sàng” là cái ghế ngồi cả.

Tự điển zdic.net định nghĩa “sàng” là “hàng rào bao quanh miệng giếng” (tỉnh thượng vi lan 井上圍欄); còn website uy tín về học thuật của Trung Quốc là baide.baidu.com thì giải thích “sàng” là “hàng rào lan can bao quanh giếng nước nơi hậu viện” (hậu viện thủy tỉnh đích vi lan 後 院 水 井 的 圍 欄). Đây mới thực sự là nghĩa của chữ “sàng” trong câu “Nhiễu sàng lộng thanh mai”.

Ta thấy câu thơ như đẹp và hay lên hẳn. Một bé gái ngồi nghịch hoa trước hiên cửa  nhà sau, và một bé trai cưỡi ngựa tre quanh lan can bờ giếng, tay múa một cành mơ xanh để trêu chọc, hình ảnh đó thật đáng yêu.

Những đôi trẻ đó có thể tiếp tục cuộc chơi của thời “thanh mai trúc mã” bằng một cuộc chơi quan trọng nhất đời người là nên duyên chồng vợ. Và họ sẽ hạnh phúc vì những kỷ niệm thời “thanh mai trúc mã” sẽ giúp họ điều hòa được cho nhau những bất đồng trong cuộc sống. Nhưng cũng có thể cuộc thế đẩy họ chia xa biền biệt, và để lại trong tâm hồn họ những vết xước, mà nỗi đau thương còn kéo dài đến suốt cả một đời. Như Hoàng Quý với “Cô láng giềng”: “Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi. Chân bước xa xa dần miền quê. Ai biết cho bao giờ tôi về...”. 

2. Ở miền Nam khoảng các năm 1970 - 1972 không mấy ai là không biết đến bản nhạc Pháp nổi tiếng “Bang Bang”, qua lời dịch tài tình của Phạm Duy: “Khi xưa đôi ta bé ta chơi, đôi ta chơi bắn súng khơi khơi. Chơi công an đi bắt quân gian. Hiên ngang anh giơ súng ngay tim. Anh bắn ngay em… Em ngã trên sân! Tiếng súng khi xưa... ta sẽ không quên bao giờ... Anh xa em, em mất anh yêu…”.

Đó cũng là một Trường Can hành phương Tây trong âm nhạc, với trò chơi bắn súng thay cho “thanh mai”, “trúc mã”. Trong văn xuôi cổ đại phương Tây cũng có một Trường Can hành thơ mộng là “Daphnis và Chloe”. Tác giả của nó, chúng ta chỉ biết tên là Longus, và chỉ có thể đoán ông sống vào khoảng thế kỷ thứ 3.

Nội dung câu chuyện có thể tóm tắt như thế này. Cậu bé Daphni bị vất bỏ khi mới chào đời, rồi được một người chăn cừu cứu thoát và nuôi dưỡng, và đến lượt mình, cậu ta lại trở thành người chăn cừu.

Trong tác phẩm những đoạn văn tuyệt vời miêu tả cảnh vật nông thôn, giống như Paustovsky mô tả thiên nhiên Nga, hay Whitman mô tả các thành phố Mỹ. Daphni yêu một cô gái nông dân cũng được cứu thoát khỏi cảnh bị vất bỏ lúc sơ sinh. Họ chăm sóc đàn cừu trong tình bạn đầy quyến rũ, cùng hồn nhiên tắm truồng với nhau, và làm say đắm cho nhau bằng những nụ hôn chưa từng có trước đó.

Cuối cùng, những người cha của hai người, bây giờ đã giàu có, phát hiện đứa con bị bỏ rơi của mình và tìm cách giúp họ giàu có. Nhưng cả hai đều phớt lờ tài sản của cha mình và quay về với cuộc sống mục đồng bình dị, nơi mà những đồng cỏ, dòng suối, tiếng chim hót, ánh nắng lúc bình minh hay trận gió chiều hôm... đã trở thành những ấn tượng không thể phai mờ trong kỷ niệm thời “thanh mai trúc mã”. Câu chuyện được kể bằng sự đơn giản của một nghệ thuật hoàn chỉnh. Được Amyot dịch sang tiếng Pháp (năm 1559), nó trở thành mẫu mực cho tác phẩm Paul và Virginia nổi tiếng của Saint-Pierre.

Cuộc đời, khắp đông tây kim cổ, có không ít những đôi bạn “thanh mai trúc mã” vô danh. Họ có thể hạnh phúc bên nhau, hay vĩnh viễn mất nhau để suốt đời nhớ đến nhau trong nỗi sầu tuyệt vọng. Nhưng biết tìm đâu một Lý Bạch để ghi lại câu chuyện của họ bằng Trường Can hành qua hình ảnh con ngựa trúc và những trái mơ xanh?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh mai trúc mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO