Thanh niên Đại Hồng góp vốn làm giàu

TR.NHAN - P.PHƯƠNG 10/10/2018 07:26

Ra đời được 2 năm (2016 - 2018), mô hình Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi của Đoàn thanh niên xã Đại Hồng (Đại Lộc) do Huỳnh Tấn Nguyên, Hứa Quốc Nhật và Phan Thế Đủ (30 tuổi) góp vốn đầu tư bước đầu có hiệu quả, là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của thanh niên.

Mô hình trồng rau thủy canh của tổ hợp tác chăn nuôi Đoàn xã Đại Hồng.
Mô hình trồng rau thủy canh của tổ hợp tác chăn nuôi Đoàn xã Đại Hồng.

Chăn nuôi tổng hợp

Mô hình THT chăn nuôi của thanh niên Đại Hồng ra đời năm 2016, có tiền thân từ mô hình chăn nuôi gia trại tổng hợp của những thanh niên trẻ. Các thành viên THT là những thanh niên đam mê khởi nghiệp, mong muốn vươn lên làm giàu trên quê hương.

Trong khuôn viên đất vườn rộng 1.000m2, các thành viên THT đầu tư nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn duy trì cả nghìn con gồm: 600 con gà, 500 con vịt, 30 - 40 heo thịt và 10 heo giống. Chuồng trại được phân thành 3 khu cho 3 đối tượng nuôi. Đàn gà 600 con được thả trong nhà lưới B40, có mái lợp, sử dụng nền đệm lót sinh thái hạn chế ô nhiễm môi trường. Với khu chăn nuôi vịt, các thành viên đã xây dựng bể bơi, sử dụng tấm lót giữ môi trường nuôi khô thoáng, dễ vệ sinh chuồng trại. Khu chăn nuôi heo được xây dựng bán kiên cố, lắp đặt máng ăn, uống tự động. Nguồn nước phục vụ chăn nuôi được dẫn về từ suối, hầm biogas được xây dựng nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường, tạo chất đốt phục vụ thắp sáng, sinh hoạt tại chỗ.

Anh Phan Thế Đủ, thành viên THT chia sẻ, gà, vịt và heo được nuôi theo lứa để duy trì tổng đàn cung ứng cho thị trường. Thời gian xuất chuồng đối với mỗi lứa gà là 3,5 - 4 tháng, vịt là 45 - 50 ngày. Mỗi ngày, khu chăn nuôi tiêu thụ 5 - 10 tấn thức ăn công nghiệp, một phần thức ăn được tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ tâm huyết, chịu khó tìm tòi, áp dụng kỹ thuật, hoàn thiện chuồng trại theo hướng bán tự động, những lứa nuôi của THT đã gặt hái thành công bước đầu. Mỗi tháng, các thành viên thu 15 - 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí, bên cạnh nguồn phụ thu. Phan Đức Đủ từng học chuyên ngành điện tử - viễn thông song lại đam mê khởi nghiệp với chăn nuôi. Vì vậy anh không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh để nâng cao hiệu quả trên đàn vật nuôi. Thời gian qua, ngành chăn nuôi có tiến triển tốt nên doanh thu của THT khá hơn, các thành viên có điều kiện tái đầu tư cho mô hình. “Phải làm từ cái nhỏ, chậm mà chắc mới bền vững. Phải vừa làm, vừa thử nghiệm, vừa đánh giá, rút kinh nghiệm. Hiện tại, THT chủ động nguồn giống phục vụ chăn nuôi lẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Song do mô hình còn mới mẻ nên khó khăn vẫn là vốn” - Phan Đức Đủ nói.

Truyền lửa cho thanh niên

Anh Huỳnh Tấn Nguyên - Bí thư Đoàn xã Đại Hồng, thành viên THT cho biết, bản thân anh và hai thành viên còn lại đã gặp không ít khó khăn trong khởi nghiệp, phải học hỏi, tìm tòi qua các khóa học chăn nuôi, trồng trọt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Với những bạn trẻ khởi nghiệp từ chăn nuôi, những khó khăn, thử thách đối với họ sẽ không nhỏ, từ chuyện vốn liếng cho tới kỹ thuật, đầu ra của sản phẩm. Vì vậy, đoàn xã và THT sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người trẻ khởi nghiệp từ những bước đi đầu tiên. THT sẵn sàng cung ứng giống cho mô hình mới bắt đầu. Chuồng trại của THT cũng sẽ là nơi để người mới bắt đầu học hỏi, trải nghiệm, nâng cao kỹ năng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên vật nuôi, kỹ thuật xây dựng hệ thống chuồng trại tiện lợi, ứng dụng kỹ thuật xây dựng đệm lót sinh thái, xây dựng hầm biogas để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng trừ dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Anh Huỳnh Tấn Nguyên chia sẻ: “Mình là thành viên nên hiểu được cảm giác khó khăn của người khởi nghiệp. Với người trẻ có ý tưởng khởi nghiệp từ chăn nuôi thì THT sẽ tạo điều kiện hỗ trợ, cung ứng nguồn giống chất lượng, hỗ trợ về kỹ thuật và đoàn xã sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên được vay vốn từ các chủ trương, chính sách của Nhà nước. THT còn là địa chỉ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, là nơi tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm”. Không dừng lại ở đó, các thanh niên còn xây dựng mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu, mày mò thiết kế hệ thống tưới tự động, tưới phun sương, mua chế phẩm và dung dịch dinh dưỡng, đầu tư nhà lưới bảo vệ cây trồng. “Nếu rau thủy canh có đầu ra, chúng tôi sẵn sàng mở rộng quy mô, tận dụng tất cả diện tích có được để làm rau. Vấn đề là thị trường, còn lại kỹ thuật thì không có gì phải lo” - anh Nguyên nói.

TR.NHAN - P.PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh niên Đại Hồng góp vốn làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO