Có nhu cầu về vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế nhưng nhiều thanh niên trên địa bàn TP.Tam Kỳ gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay…
|
Lãnh đạo TP.Tam Kỳ đối thoại với thanh niên để tháo gỡ những vướng mắc trong vấn đề vay vốn lập nghiệp.Ảnh: X.T |
Hiện nay, đối với thanh niên có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp, mở rộng phát triển kinh tế, chủ yếu tiếp cận vốn vay thông qua kênh của tổ chức đoàn. Thế nhưng những quy định từ Ngân hàng Chính sách và hoạt động các tổ vay vốn của Đoàn lại đang có những rào cản khiến thanh niên khó tiếp cận vốn vay. Theo quy định, tổ chức đoàn các xã, phường chỉ quản lý tổ vay vốn ở một số thôn, khối phố, còn các thôn, khối phố khác thì do các tổ chức khác như hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ đảm nhận. Một thanh niên muốn vay vốn thông qua kênh Đoàn thì phải có hộ khẩu ngay tại thôn, khối phố có tổ chức đoàn đảm nhận tổ vay vốn.
Đơn cử tại phường Hòa Thuận (TP.Tam Kỳ), Đoàn phường chỉ quản lý hai tổ vay vốn tại 2 khối phố là Phương Hòa Đông và Trà Cai. Các khối phố còn lại trên địa bàn phường thuộc các tổ vay vốn do Hội Cựu chiến binh, Hội LHPN, Hội Nông dân phường quản lý. Vậy nên, thanh niên ở các khối phố này không vay vốn được qua kênh Đoàn. Như anh Trần Hoàng Nam ở khối phố Phương Hòa Tây (phường Hòa Thuận) hiện đầu tư trại chăn nuôi lươn với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Anh đã tích cóp được 50 triệu đồng và cần vay vốn thêm 50 triệu. Nhưng vì không có tài sản thế chấp, lại không có hộ khẩu tại hai tổ vay vốn thuộc 2 khối phố do Đoàn phường quản lý nên không thể vay vốn qua được kênh Đoàn.
Chị Lương Thị Nhẫn - Bí thư Đoàn phường Hòa Thuận cho biết: “Địa bàn phường hiện có gần 40 thanh niên có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Nhưng một số thanh niên vì không có hộ khẩu tại 2 khối phố do tổ vay vốn của Đoàn đảm nhận nên không thể vay được. Tôi đề xuất Đoàn phường cần được tạo điều kiện để có một tổ vay vốn riêng mà ở đó tất cả thanh niên của phường đều có thể vay được. Như vậy mới tạo điều kiện cho thanh niên phường phát triển kinh tế và tổ chức đoàn có điều kiện tham gia giúp đỡ thanh niên”.
Với chính sách hiện tại, nhiều thanh niên trên địa bàn TP.Tam Kỳ dù có hộ khẩu tại các thôn, khối phố có tổ vay vốn của Đoàn đảm nhận cũng gặp không ít khó khăn trong vấn đề vay vốn. Theo quy định, một thanh niên muốn vay vốn phải có hộ đứng ra “bảo lãnh” và có tài sản thế chấp. Nhưng nếu hộ đó đã vay qua các nguồn vốn khác thì thanh niên đó cũng không được vay. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, vì trước đây do không quản lý được nguồn vốn vay cho thanh niên nên tổ chức đoàn không tiếp tục được đảm nhận tổ vay vốn. Đơn cử như tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), hiện Đoàn xã không có tổ vay vốn nào cho thanh niên mà các tổ vay vốn là do Hội LHPN, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh xã quản lý. Chị Trần Thị Kim Phượng - Bí thư Đoàn xã Tam Ngọc nói: “Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 10 thanh niên có nhu cầu vay vốn khá lớn để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại nhưng lại rất khó khăn tiếp cận vốn vay. Tôi thấy hình như vẫn chưa tin tưởng thanh niên trong việc cho vay vốn, nên mong lãnh đạo cấp trên và Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn để thanh niên được vay vốn khởi nghiệp”.
Báo cáo từ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tam Kỳ cho biết, hiện nay thành Đoàn quản lý 11 tổ vay vốn tại các thôn, khối phố thuộc phường Hòa Thuận (2 tổ), phường Tân Thạnh (3 tổ), phường An Sơn (2 tổ), phường An Phú (1 tổ), xã Tam Thanh (2 tổ), xã Tam Phú (1 tổ). Tổng nguồn vốn vay do Thành đoàn quản lý hiện nay là 6 tỷ đồng với trên 600 hộ vay nhưng trong đó chỉ có hơn 200 thanh niên vay vốn, còn lại thuộc các đối tượng khác như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh. Chị Nguyễn Thị Ly - Phó Bí thư Thành đoàn Tam Kỳ cho biết: “Hiện nay, nhu cầu vay vốn của thanh niên trên địa bàn thành phố rất lớn, nhưng lại gặp khó khăn bởi các quy định từ Ngân hàng Chính sách và hoạt động của các tổ vay vốn. Tôi đề xuất cần có một nguồn quỹ riêng dành cho thanh niên vay vốn do UBND thành phố hoặc Thành đoàn quản lý, hoặc cũng có thể từ Ngân hàng Chính sách nhưng không nhất thiết phải qua các tổ vay vốn để tất cả thanh niên có nhu cầu đều được vay dễ dàng. Đồng thời Ngân hàng Chính sách cần nới lỏng một số quy định về tài sản thế chấp, sự bảo lãnh của gia đình và tạo điều kiện cho thanh niên vay với số tiền nhiều hơn để mở rộng phát triển kinh tế”.
Việc tiếp cận được các nguồn vốn vay thông qua tổ chức đoàn không chỉ giúp thanh niên có điều kiện khởi nghiệp mà còn tạo điều kiện cho Đoàn quan tâm giúp đỡ thanh niên trên con đường phát triển kinh tế. Thanh niên cũng sẽ tin tưởng và tham gia nhiều hơn các hoạt động của Đoàn.
XUÂN TRƯỜNG