Thanh niên vùng cao lập nghiệp

MINH PHƯỜNG 13/12/2016 08:32

Những năm qua, Huyện đoàn Tây Giang luôn tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên được học tập phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần ổn định cuộc sống.

1. Tiêu biểu cho những thanh niên vượt khó vươn lên trên chính mảnh đất đồi núi hoang sơ là anh Trần Văn Được (thôn R’cung, xã Bha Lêê) và anh Bríu Tám (thôn Arầng 3, xã A Xan). Trước đây, anh Được cũng như nhiều thanh niên dân tộc Cơ Tu khác, làm ăn chật vật xoay xở mãi với mấy sào đất trồng lúa nhưng không đủ ăn. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh Được phải gác việc học lại rất sớm ở nhà làm nương rẫy phụ giúp gia đình. Năm 2004, anh Được cưới vợ với hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng bươn chải dắt díu nhau đi làm thuê làm mướn nhưng không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Với ý chí và quyết tâm vươn lên, ban đầu vợ chồng anh tích góp vốn mua 6 con heo nhưng do không có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi nên heo chết dần. Không nản chí, anh tìm hiểu những mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Anh Trần Văn Được chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: M.PHƯỜNG
Anh Trần Văn Được chăm sóc đàn gà của gia đình. Ảnh: M.PHƯỜNG

Đồng thời anh Được được UBND xã Bha Lêê tạo điều kiện để đi học lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi do huyện đoàn, các trung tâm khuyến nông của huyện, tỉnh tổ chức. Từ những kiến thức học hỏi được, năm 2005 anh Được mong muốn được vay 17 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Nhưng điều kiện hoàn cảnh quá khó khăn anh chỉ có thể vay được 7 triệu đồng. Vì vậy anh đã nhờ anh trai đứng ra vay hộ 10 triệu đồng để mua máy xay xát gạo và lấy cám nuôi heo. Anh Được tâm sự: “Nhìn con cái thiếu thốn từ cái ăn, cái mặc so với bạn bè tôi thấy thương và trăn trở rất nhiều, phải tìm cách vươn lên thoát nghèo”. Dần dần làm ăn khấm khá anh Được mở rộng mô hình chăn nuôi thêm 500 con gà, 200 con vịt, 5 con bò thả vườn và mua thêm 6ha đất để trồng rừng. Anh đầu tư mua một chiếc xe tải để chở cây keo, gỗ cho bà con trong làng. Riêng số tiền thu từ việc chở keo anh Được tiết kiệm được cả chục triệu đồng. Trừ chi phí mỗi năm anh thu hơn 100 triệu đồng, đến nay cuộc sống của gia đình đã ổn định.

2. Cũng vượt lên hoàn cảnh khó khăn, chàng thanh niên Bríu Tám đã có cuộc sống ổn định nhờ trồng đẳng sâm. Gia đình anh Tám từng là hộ nghèo, đời sống kinh tế khó khăn. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào diện tích đất trồng lúa rẫy ít ỏi và một phần đất rẫy cằn cỗi để trồng ngô, sắn. Nhận thấy việc làm nương rẫy không đủ ăn nên anh mạnh dạn tích vốn để mua giống sâm. Từ khi đưa cây sâm vào trồng trên 2ha đất rẫy, cùng với việc trồng thêm các loại cây ngắn ngày như bắp, sắn… theo mùa đã giúp gia đình anh có cuộc sống khấm khá hơn. Anh Tám nói: “Cây sâm rất dễ trồng và phù hợp với đất, khí hậu vùng đồi núi. Chăm sóc loại cây này không tốn nhiều công sức, phân bón hay thuốc trừ sâu nên tiết kiệm được nhiều chi phí”. Từ khi gieo giống thì 3 tháng sau bón phân và làm cỏ, tiết kiệm được công chăm sóc anh dành thời gian phụ giúp gia đình. Mỗi năm gia đình anh có thu nhập 600 - 700kg đẳng sâm tương đương với 90 - 100 triệu đồng/năm. Đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và anh trở thành gương mặt điển hình cho thanh niên vượt khó lập nghiệp ở xã vùng cao A Xan.

Bà Nguyễn Thị Lương - Phó Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho biết, bên cạnh những thanh niên vượt khó vươn lên song thực tế phong trào khởi nghiệp của thanh niên vùng núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Phần lớn họ chưa được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, kỹ năng khởi nghiệp mới mà nhiều nơi đã ứng dụng thành công. phần lớn những người trẻ vùng cao còn suy nghĩ, tư tưởng “an phận” chưa thật sự bứt phá định hướng nghề nghiệp của mình, chưa mặn mà trong việc làm kinh tế. “Đây chỉ là hai trong số nhiều thanh niên có nhận thức về những mô hình làm kinh tế miền núi và đã thành công. Nhưng dấu hiệu này rất đáng mừng để thanh niên vùng cao học hỏi vươn lên thoát nghèo” - bà Lương nói.

MINH PHƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh niên vùng cao lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO