(QNO) - Ra đời từ năm 2017, đến nay, mô hình “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh” tại xã Trà Linh (Nam Trà My) tạo ra việc làm ổn định cho các thành viên tham gia, đồng thời góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương.
Ban đầu khi được vận động vào nhóm trồng sâm nóc Tắc H’rầng (thôn 3, xã Trà Linh), ông Hồ Văn Nhớ vẫn còn do dự, sợ vất vả. Nhưng dần dà, nhận thức được ý chí làm ăn của các bạn cùng trang lứa, Hồ Văn Nhớ đã vượt qua được sức ỳ trong suy nghĩ, ngày đêm chăm sóc vườn sâm chung với bạn bè.
Đồng thời, ông hăng say cùng các hội viên canh giữ vườn sâm ở các khu vực trồng sâm để chống trộm sâm. Sau 4 năm chí thú làm ăn, ông Nhớ cùng 20 thanh niên khác đã bước qua quá khứ nghèo khó, có thu nhập khấm khá từ đôi tay của sức trẻ bằng dự án khởi nghiệp táo báo này.
Đến nay, nhóm thanh niên ở đây đã sở hữu hơn 1.000 gốc sâm từ một đến hàng chục tuổi tại điểm trồng sâm chung. “Từ khi tham gia nhóm trồng sâm của đoàn viên thanh niên thì tôi không chỉ có được sinh kế bền vững mà biết giữ gìn môi trường, không chặt phá rừng bừa bãi nữa” – ông Nhớ nói.
[VIDEO] - Mô hình “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh”:
Và quan trọng nhất, những thanh niên Xê Đăng thức thời này đã thay đổi tư duy, biết bảo vệ rừng nguyên sinh nhằm duy trì bền vững sinh kế của mình. Họ chỉ phát dọn cây leo, bụi rậm làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng cây sâm và không tác động đến cây rừng tự nhiên.
Ngoài việc tập hợp trồng sâm thì các thanh niên cũng như người dân ở Trà Linh đã biết “lấy ngắn nuôi dài” khi tận dụng thêm thời gian để trồng đảng sâm tăng thu nhập, “nuôi” sâm Ngọc Linh.
Ông Hồ Văn Thật (thôn 2, xã Trà Linh) cho biết, từ khi 1 hạt sâm gieo xuống cho đến lúc thu hoạch củ phải mất 3-4 năm, để củ sâm đủ lớn phải trên 10 năm. Trong suốt quá trình đó, phải chấp nhận tổn thất do thời tiết, các loại chim, chuột, rắn cắn phá…
Đồng thời, cây sâm Ngọc Linh giống 1 tuổi hiện có giá từ 300 – 350 nghìn đồng nên đầu tư rất nhiều vốn. “Trồng đảng sâm là giống cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh hơn để có tiền cải thiện đời sống. Và sẽ tạo ra được nguồn vốn mua cây giống để phát triển vườn sâm Ngọc Linh” – ông Thật cho biết.
Theo ông Hồ Văn Dấu - Bí thư Đoàn xã Trà Linh, sâm Ngọc Linh đã trở thành cây kinh tế cao ở vùng núi cao nhưng chuyện nhiều thanh niên chưa lo làm ăn, trồng sâm tự phát, nạn trộm sâm… là những trăn trở lớn nhất của Đoàn thanh niên xã Trà Linh. Từ thực tế này, ý tưởng mô hình “Thanh niên làm giàu từ cây sâm Ngọc Linh” được ra đời nhằm thúc đẩy phòng trào khởi nghiệp ở vùng cao.
“Là Bí thư Đoàn xã nên tôi quyết tâm “truyền lửa” cho các bạn đoàn viên, thanh niên cùng nhau phát triển kinh tế bằng mô hình đội nhóm trồng sâm. Đáng mừng là đa số thanh niên đều chịu khó làm lụng nên nhiều nhóm trồng sâm chung đang duy trì tốt, tính ra mỗi năm một hộ tham gia sẽ thu nhập bình quân 100 triệu đồng.
Ngoài ra, hầu hết thanh niên học hết THPT sẽ được các nhóm trồng sâm của thanh niên tạo điều kiện bằng cách thuê đi làm trả tiền công nhằm hạn chế tránh tình thanh niên không có việc làm ở địa phương” - ông Hồ Văn Dấu cho biết.
[VIDEO] - Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh đánh giá hiệu quả mô hình trồng sâm của thanh niên: