Khó khăn luân chuyển cán bộ đoàn quá tuổi

HỒ QUÂN 30/06/2022 14:25

(QNO) – Thời gian qua, việc giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn lớn tuổi được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện luân chuyển cán bộ. Nhưng thực tế, một số cán bộ đoàn đi lên từ hoạt động phong trào chưa đáp ứng tiêu chuẩn về chuyên môn, gây khó khăn trong việc sắp xếp vị trí việc làm phù hợp.

Khoảng thời gian làm Bí thư đoàn xã Tam Anh Bắc (nhiệm kỳ 2016-2021) giúp anh Nguyễn Đình Lâm năng động, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ. Ảnh: H.Q
Khoảng thời gian làm Bí thư đoàn xã Tam Anh Bắc (nhiệm kỳ 2016 - 2021) giúp anh Nguyễn Đình Lâm năng động, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ. Ảnh: H.Q

Nguồn cán bộ chất lượng

Sau hơn 10 năm làm Bí thư Chi đoàn kiêm cán bộ Văn hóa - thông tin xã, năm 2016, anh Nguyễn Đình Lâm được tín nhiệm, bầu làm Bí thư Đoàn xã Tam Anh Bắc (Núi Thành), nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tuy nhiên, kết thúc nhiệm kỳ là thời điểm anh Lâm đã 37 tuổi – độ tuổi vượt quá quy định để giữ chức Bí thư Đoàn xã. Xét thấy anh Lâm năng động, trách nhiệm trong công việc, tư tưởng chính trị vững vàng, đầu năm 2022, Đảng ủy xã Tam Anh Bắc tin tưởng, bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.

“Khoảng thời gian làm công tác đoàn giúp bản thân tôi trở nên năng động, trang bị nhiều kiến thức, bản lĩnh, nhất là trong việc tập hợp, vận động thanh niên. Nhờ đó, khi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, tôi làm tốt các chức năng giám sát, phản biện, vận động… Đồng thời, khi tôi luân chuyển cũng tạo điều kiện cho các bạn trẻ, năng động lên thay thế, dẫn dắt phong trào thanh thiếu nhi xã nhà” – ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Anh Bắc cho biết.

Theo Quyết định số 289-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, cán bộ đoàn cấp xã, huyện giữ chức vụ không quá 35 tuổi; cấp tỉnh không quá 40 tuổi.

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam Phạm Thị Thanh cho biết, thời gian qua Tỉnh đoàn thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở và lập danh sách cán bộ đoàn quá tuổi báo cáo với Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Qua đó, làm cơ sở cho việc đề xuất, giới thiệu cán bộ đoàn đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy, chính quyền, đại biểu HĐND các cấp và thực hiện luân chuyển cán bộ.

Cùng với đó, Tỉnh đoàn phối hợp, đề xuất với các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo đối với công tác cán bộ đoàn, nhất là bố trí đầu ra cho cán bộ đoàn khi quá tuổi.

Cán bộ Đoàn trưởng thành từ trong thực tiễn, được xem là nguồn bổ sung chất lượng về nhân sự của Đảng, chính quyền các cấp. Ảnh: H.Q
Cán bộ Đoàn trưởng thành từ trong thực tiễn, được xem là nguồn bổ sung chất lượng về nhân sự của Đảng, chính quyền các cấp. Ảnh: H.Q

“Đội ngũ đoàn được đào tạo, rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn, được xem là nguồn bổ sung chất lượng cho đội ngũ cán bộ của Đảng và chính quyền các cấp. Giải quyết đầu ra cho cán bộ đoàn quá tuổi có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện tốt chủ trương trẻ hóa đội ngũ cán bộ đoàn, nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn” – chị Thanh nói.

Theo Tỉnh đoàn, từ đầu năm 2022 đến nay, có 4 anh chị là trưởng, phó ban chuyên môn Tỉnh đoàn được luân chuyển sang các cơ quan thuộc khối Đảng, đoàn thể và chính quyền trong tỉnh; 10 cán bộ đoàn cấp huyện và 25 Bí thư Đoàn cơ sở đã và đang dự kiến bố trí công tác khác sau khi quá 35 tuổi.  

Khó khăn luân chuyển

Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 2 cán bộ đoàn chủ chốt cấp huyện và 18 Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn quá tuổi chưa được bố trí công tác khác. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh, nguyên nhân nằm ở việc các cấp đang sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; số biên chế cấp xã, huyện và các cơ quan cấp tỉnh đã cơ bản đủ; một số cán bộ đoàn hiện chưa đáp ứng tiêu chí về nghiệp vụ, chuyên môn nên khó sắp xếp vị trí mới phù hợp.

“Hầu hết cán bộ đoàn đều được đào tạo các chuyên ngành xã hội nên chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều ban, ngành, địa phương. Do đó, bản thân mỗi cán bộ đoàn cần phải tự trau dồi, học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu luân chuyển cán bộ hiện nay” – chị Thanh cho biết.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Trung ương Đoàn. Ảnh: H.Q
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Trung ương Đoàn. Ảnh: H.Q

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương yêu cầu các cấp, ngành quan tâm đến việc luân chuyển cán bộ đoàn lớn tuổi ra các cơ quan khác. Trước đây, cán bộ Đoàn chủ yếu luân chuyển sang các ban Đảng, Mặt trận, đoàn thể, nhưng nay Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu luân chuyển ra cả hệ thống chính trị. Các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở thiếu biên chế phải ưu tiên luân chuyển cán bộ đoàn đảm nhận vị trí phù hợp.

Tuy nhiên, thực tế một số cán bộ đoàn khi chuyển công tác sang các vị trí tương đương ở đơn vị khác thì không đảm đương tốt nhiệm vụ. Đây chính là khó khăn chung khi điều chuyển cán bộ đoàn của Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung.  

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Trung ương Đoàn mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng mong muốn, đoàn công tác tổng hợp ý kiến, tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đoàn có phương án điều chỉnh Quy chế cán bộ đoàn, tháo gỡ khó khăn về giải quyết đầu ra cán bộ đoàn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó khăn luân chuyển cán bộ đoàn quá tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO