Liệu các đô thị của chúng ta có đang tự biến mình thành những “chảo lửa” khổng lồ, khi mùa hè đang bắt đầu?
Đối diện với nắng nóng, cây xanh không thể tiếp tục là lựa chọn, mà phải là điều kiện bắt buộc trong quy hoạch. Hiện tượng đảo nhiệt đô thị, nơi thành phố hấp thụ nhiệt ban ngày và tỏa ngược lại vào ban đêm đang biến trung tâm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh nóng hơn khu vực ngoại ô từ 3-70C.
Hàng loạt hệ lụy từ quá trình đảo nhiệt đô thị được ghi nhận. Mỗi mùa nắng nóng, số ca nhập viện tại các đô thị lại tăng cao. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm không khí càng trầm trọng hơn. Nhiệt độ cao thúc đẩy quá trình hình thành bụi mịn PM2.5 và ozone tầng thấp, trực tiếp làm tăng nguy cơ bệnh phổi, tim mạch.
Đối diện thực trạng này, câu hỏi đặt: cần bao nhiêu cây xanh trong thành phố? Theo WHO, một đô thị lý tưởng cần có 9m2² cây xanh/người. Nhưng thực tế tại các đô thị lớn, con số này chỉ dao động quanh 2-3m2²/người, thậm chí ở nhiều quận trung tâm, tỷ lệ này gần như bằng 0.
Một cây xanh trưởng thành có thể làm mát tương đương 10 chiếc điều hòa hoạt động cùng lúc. Các nghiên cứu chỉ ra, nếu gia tăng diện tích cây xanh lên 20%, nhiệt độ đô thị có thể giảm tới 5°C. Nhưng thay vì trồng cây, nhiều nơi vẫn chọn bê tông hóa công viên, đốn hạ cây nhường cho hạ tầng khác.
Tại Singapore, dù có mật độ xây dựng dày đặc không kém Việt Nam, nhưng vẫn giữ 47% diện tích phủ xanh. Ở đó, mỗi tòa nhà, chung cư mới đều phải có mảng xanh theo luật định. Trong khi đó, tại Việt Nam, khái niệm “công trình xanh” vẫn chỉ dừng ở mức khẩu hiệu. Quy hoạch đô thị xanh là điều đương nhiên để giảm các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Từ áp dụng tiêu chuẩn bắt buộc về mật độ cây xanh trong xây dựng, không cho phép cắt giảm diện tích công viên vì mục đích thương mại; Đưa tiêu chí xanh vào đánh giá năng lực đô thị, xem tỷ lệ cây xanh như một chỉ số phát triển thay vì chỉ tập trung vào nhà cao tầng. Hơn nữa, đẩy mạnh trồng cây trên vỉa hè, tránh tình trạng bê tông hóa toàn bộ đường phố cũng là điều tất yếu.
Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vừa qua, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn năm 2024 (thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025 có quy định chi tiết về quản lý công viên, cây xanh, mặt nước tại đô thị, nông thôn.
Trong đó, yêu cầu khi lập quy hoạch để cải tạo, chỉnh trang đô thị hoặc tái thiết đô thị, địa phương phải đánh giá chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị của khu vực lập quy hoạch so với quy chuẩn về quy hoạch đô thị.
Trường hợp khu vực lập quy hoạch chưa đáp ứng chỉ tiêu diện tích đất cây xanh đô thị, nội dung quy hoạch phải ưu tiên bố trí đất cây xanh và quy định về chỉ tiêu diện tích mảng xanh đối với các lô đất xây dựng công trình trong quy định quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị để tăng diện tích cây xanh đô thị.