Văn hóa

Thành phố có những bảo tàng

LÊ QUÂN 26/05/2024 09:11

Mang ý nghĩa lưu giữ và kết nối, bảo tàng ở các đô thị trở thành những điểm đến đặc biệt.

394548559_812379034020119_5029650565094756301_n.jpg
Bảo tàng Quảng Nam đang nỗ lực để trở thành điểm đến được nhiều người biết đến. Ảnh: Bảo tàng Quảng Nam

Vệt ký ức đặc trưng

Đô thị cổ Hội An hiện là thành phố có nhiều bảo tàng của Việt Nam. Thực ra, các bảo tàng tại Hội An chỉ ở vai trò của những “phòng trưng bày chuyên đề”, tuy nhiên, người dân Hội An lẫn du khách đều gọi những nơi này là bảo tàng.

Từ Bảo tàng Lịch sử văn hóa, Bảo tàng văn hóa dân gian, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch... mở ra một vệt văn hóa về đô thị này. Hệ thống các bảo tàng của Hội An trở thành những điểm đến đặc biệt trong hành trình du lịch tại phố cổ.

Không chỉ có các điểm đến do Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An quản lý, đô thị này còn có những bảo tàng tư nhân đặc biệt. Đó là CSO Gallery - bảo tàng Truyện Kiều cùng nhiều vật phẩm như tem, tiền xu, tiền giấy.

Bảo tàng di sản vô giá - trưng bày hiện vật, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam từ nhiếp ảnh gia người Pháp. Hay một điểm đến thú vị khác, là An Nhàn Exquisite, hội tụ rất nhiều vật phẩm văn hóa của Tây Nguyên và các vùng miền khác.

Tại TP.Tam Kỳ, những ngày cuối tháng 4, một không gian đặc biệt trong lòng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng mở ra cho người dân và du khách trải nghiệm. Chọn chủ đề “Kỷ vật - ký ức của chiến tranh”, Ban Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực hiện trưng bày, giới thiệu hiện vật, kỷ vật của những người mẹ, người vợ, người nữ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu; những kỷ vật của người chồng, người con, người thân trao gửi lại cho họ trước lúc ra trận...

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh - Giám đốc Ban Quản lý Di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, không gian trưng bày dùng ngôn ngữ của bảo tàng để kể những câu chuyện về người thật, việc thật với cuộc sống chiến đấu và tình cảm dành cho gia đình của những người vợ, mẹ, con… trong các cuộc chiến.

Tam Kỳ hiện cũng là đô thị đang có những bảo tàng đặc biệt. Bảo tàng Quảng Nam ở trung tâm thành phố, hiện có hơn 30 nghìn đơn vị hiện vật gắn với nhiều giai đoạn lịch sử, cũng như các bảo vật quốc gia đặc biệt... đủ để phản ánh truyền thống lịch sử, văn hóa của Quảng Nam.

Hay mới đây, “bảo tàng đa dạng sinh học” ra mắt, với ý nghĩa là nơi trình diễn, quảng bá các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học, sự phong phú của các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, đặc trưng mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Quảng.

Những bảo tàng ở các vùng đất trở thành điểm kết nối, cũng là để làm dày dặn hơn bản sắc của một đô thị với vai trò lưu trữ của nó.

Điểm đến đặc biệt

Hơn 200 bảo tàng nhà nước và tư nhân có mặt trên khắp đất nước, với hơn 3 triệu hiện vật được lưu giữ, phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam.

z5443249631701_f63c8a0a163e89daaab8e5adb36b79cd.jpg
CSO Gallerry - bảo tàng tư nhân về tem, tiền cổ và các ấn phẩm của Truyện Kiều. Ảnh: CSO

Bộ VH-TT&DL cho rằng, các bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cũng như thúc đẩy ngành du lịch phát triển. Tuy vậy, phần lớn bảo tàng hiện mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu.

Người dân thành phố và khách du lịch trong nước vẫn chưa có thói quen tìm đến bảo tàng. Nhiều cuộc khảo sát đã chỉ ra, các bảo tàng chuyên đề, bảo tàng lịch sử xã hội ở đô thị có sự trùng lặp về nội dung khiến cho khách tham quan cảm thấy tẻ nhạt.

Để tạo cú hích với những điểm đến đặc biệt này, nhiều địa phương đã triển khai các chiến lược cụ thể, cùng quy hoạch bài bản.

Với hệ thống bảo tàng đa dạng, trong đó có những bảo tàng tuổi đời trăm năm như Bảo tàng Điêu khắc Chăm hay sở hữu giá trị đặc biệt như Nhà trưng bày Hoàng Sa, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo, TP. Đà Nẵng chủ trương quy hoạch lại hệ thống bảo tàng theo hướng phát triển những địa chỉ này trở thành các điểm đến đặc trưng.

Địa phương này cũng đã phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng. Đây là bước đột phá trong đầu tư bảo tàng, bởi Đà Nẵng dành vị trí đắc địa (vốn là Tòa đốc lý do người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19) và nguồn ngân sách hơn 500 tỷ đồng cho dự án này.

Các bảo tàng ở Quảng Nam cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm đáng kể về mặt chính sách để thay đổi cách tiếp cận với công chúng. Từ các chương trình trải nghiệm, áp dụng số hóa hay tạo nên những câu chuyện sinh động về hiện vật, những bảo tàng nằm trong lòng thành phố của xứ Quảng đang nỗ lực để thu hút du khách hơn.

Tuy nhiên, cần nhiều hơn những cuộc quảng bá dưới nhiều hình thức để bảo tàng thực sự trở thành những điểm phải đến - khi muốn hiểu cặn kẽ về vùng đất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành phố có những bảo tàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO