Nhắc đến Hội An người ta thường nghĩ ngay đến tường vàng, ngói đỏ âm dương hay Chùa Cầu đặc trưng phố cổ. Bây giờ, Hội An còn được biết tới với hàng quán cà phê mọc lên như nấm từ trong ra ngoài phố!
Cà phê cô Thảo. |
Cà phê ngoài phố
Nhiều người vẫn hay lầm tưởng cà phê chỉ phát triển mạnh ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… chứ Hội An vốn chỉ nên là thành phố du lịch, cổ và cũ. Ấy thế mà vài năm trở lại đây, khi các hiệu vải, tiệm giày da có xu hướng bão hòa thì quán cà phê lại nổi lên như một điểm thu hút không ít người lui tới. Ở bên ngoài phố cổ, vô số quán cà phê nhỏ, to với đa dạng phong cách, chủ yếu là những quán mang hơi hướng “bình dân” với giá cả khá rẻ khoảng 20.000 - 50.000 đồng/món. Đến Hội An, nhất định phải khám phá những ngóc ngách dài hun hút tưởng như rất khó đi mới là thú vị. Chẳng cần một không gian quá lớn, chẳng cần nhiều nhân viên phục vụ..., các hàng quán có thể được mở ra theo kiểu tự phục vụ trong các con hẻm nhỏ. Người phương Tây đi trải nghiệm dịch vụ nói chung và những “expats” (khách nước ngoài sinh sống tại Hội An) nếu được lựa chọn, họ sẽ tìm đến những những quán cà phê nằm ngoài phố vì nhiều lý do: không phải gửi xe, thức uống, đồ ăn tại quán không làm hao hụt “hầu bao” nhiều… và tế nhị hơn, lỡ khách muốn ngồi lâu một tí cũng sẽ đỡ… ngại ngần.
Thông thường, quán cà phê sẽ chia ra làm hai loại. Một là chăm chút tỉ mỉ, đầu tư trang thiết bị và trang trí để hướng đến những khách du lịch. Hai là quán chỉ thuần phục vụ cà phê cho dân địa phương. Dĩ nhiên, Hội An cũng không ngoại lệ. Những quán cà phê lâu đời như Thư Quán, Vọng Phố… nằm trên đường Trần Hưng Đạo, Cao Hồng Lãnh có vị trí “đắc địa” rất “được lòng” mọi người. Không gian rộng rãi, thoáng đãng kiểu “cây nhà lá vườn” cực kỳ thích hợp để nhâm nhi ly cà phê buổi sáng hay đơn giản để mọi người tìm một nơi có chỗ tán gẫu, trò chuyện cùng bạn bè, đồng nghiệp vào giờ giải lao. Nước uống ở những quán này chỉ tầm từ 10.000 đến 25.000 đồng/ly phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Nhưng rõ ràng, với mức giá như vậy khách hàng không thể đòi hỏi nhiều về chất lượng cũng như khắt khe quá về thái độ phục vụ chuyên nghiệp của nhân viên. Thú vị ở chỗ, nếu như trong phố người dân bắt đầu sinh hoạt, bán buôn 8 - 9 giờ thậm chí 10 giờ trưa thì bên ngoài bắt buộc phải mở cửa phục vụ từ 6 giờ sáng mới có thể đạt được lượng khách hàng ổn định, đặc biệt là dân văn phòng - đối tượng chính mà nhiều quán cà phê nhắm đến.
Phố cổ và những quán cà phê
Một người Hội An “thực thụ” mà lại không biết đến quán cà phê cô Thảo ở gần Chùa Cầu thì có lẽ là một thiếu sót đáng tiếc. Đây cũng là một trong những hàng cà phê lâu đời bậc nhất phố cổ. Với tôi, cô Thảo không chỉ bán cà phê mà còn đang giữ gìn, duy trì được phần nào đó cái hồn của những người Hội An yêu thích sự nhẹ nhàng, thân thuộc tựa nhịp thở của chính mảnh đất này. Và nếu tưởng rằng phố cổ chỉ toàn quán cà phê cho Tây sang trọng thì chắc chắn nhiều người đã lầm. Tôi có thể kể tên rất nhiều quán cà phê chỉn chu, có đầu tư hẳn hoi nhưng tầm “trung bình - khá” như: 11 Coffee House, Le Fe Cafeteria, May Concept… Điều đặc biệt làm nên sự khác biệt ở các quán cà phê tại phố cổ nói riêng và Hội An nói chung chính là thái độ đối với khách sử dụng dịch vụ. Những nhà kinh doanh luôn hiểu rằng, một khi đã đến Hội An, cái người ta muốn tìm đến không phải thức uống hay món ăn đơn thuần mà là “giá trị cốt lõi” đằng sau những sản phẩm người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng.
Quán cà phê Roast ngoài phố cổ. |
“Từ bao giờ thành phố này đã trở thành thành phố của những ly cà phê?” là câu hỏi cũng là “caption” tôi thấy được nhiều nhất mỗi khi lướt mạng xã hội Facebook hay Instagram. Đôi khi giật mình ngẫm lại tôi thấy “Cũng đúng chứ nhỉ?!” rồi bắt đầu hình dung, mường tượng. Những con đường chính như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Đằng trong phố giờ đây quán cà phê xuất hiện ngày càng nhiều, có thể kể đến một số quán điển hình như: Faifo Coffee, Reaching Out Tea, Cocobana, Cocobox… Thậm chí, nhiều quán cà phê còn phát triển theo hình thức chuỗi cửa hàng, đến nỗi dăm ba mét lại có một cửa tiệm cùng thương hiệu. Thế mạnh của các quán này chính là sự đầu tư về mặt “ngoại hình” cực kỳ kỹ lưỡng. Quán nào quán nấy đều xinh xắn, mộc mạc với điểm nhấn là những trang thiết bị “eco”, có pha chút xưa cũ của nhà cổ phố Hội. Nhân viên cũng được đầu tư trang phục phù hợp với không gian quán. Nhìn chung, tổng thể phong cách của quán phối hợp rất tốt với không gian phố cổ Hội An. Cũng chính vì lẽ ấy mà giá cả đắt đỏ hơn một chút chừng 40.000 - 80.000đồng/ly nước nhưng hầu như du khách đều cho rằng vừa phải và rất đáng để trải nghiệm. Mà lạ thay, cà phê dẫn lối những tâm hồn đồng điệu tìm đến nhau. Dọc các con đường nức mùi cà phê rang xay hòa quyện vào bầu không khí làm cho du khách cứ bịn rịn chẳng nỡ rời xa.
Giữa vô vàn những quán cà phê đang và sẽ mọc lên như hiện nay, thật khó để du khách có thể chọn điểm dừng chân hợp lý cho mình sau một buổi la cà, lang thang khám phá. Người đến thì đơn giản, níu chân người đi mới là việc “đau đầu”. Các mô hình quán cà phê cũng vậy, khách hàng luôn luôn khó tính nên việc phát triển thì dễ dàng nhưng duy trì và biến những điều mới mẻ thành thân thuộc, thói quen mới là điều đáng để các nhà kinh doanh nên quan tâm và suy ngẫm về lâu dài trong thị trường cà phê bão hòa như bây giờ.
HẠNH NGUYÊN TRANG