(Xuân Nhâm Dần) - Incheon là một trong những thành phố của Hàn Quốc thu hút rất nhiều công dân trên khắp thế giới. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, bao gồm tại Incheon.
Nằm cách thủ đô Seoul khoảng 36km về phía tây, Incheon - thành phố trực thuộc trung ương tách ra khỏi tỉnh Gyeonggi vào tháng 7.1981. Incheon là thành phố hiện đại và lớn thứ ba của Hàn Quốc với dân số gần 3 triệu người. Incheon nổi tiếng với nhiều cảnh quan du lịch với những hòn đảo lớn nhỏ, những công viên đẹp và di tích cổ thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm.
Incheon ngày nay
Một trong những dấu ấn cơ sở hạ tầng của thành phố phải kể đến sân bay quốc tế Incheon. Được đưa vào sử dụng vào năm 2001, sân bay này trở thành sân bay trung chuyển các chuyến bay, hành khách và hàng hóa chính cho cả vùng Đông Á, một trong những sân bay 5 sao và nhộn nhịp nhất trên thế giới đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Đây cũng là sân bay lớn nhất Hàn Quốc, điểm đáp đầu tiên của du khách khi đến Seoul.
Incheon được chỉ định là một trong những đặc khu kinh tế đầu tiên ở Hàn Quốc vào năm 2003. Từ đó, các tập đoàn của Hàn Quốc cũng như các công ty toàn cầu tăng cường đầu tư vào đặc khu kinh tế Incheon.
Như Samsung lựa chọn thành phố quốc tế Songdo của Incheon làm điểm đầu tư mới cho ngành công nghiệp sinh học của tập đoàn, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn xuất khẩu toàn cầu.
Chính quyền đặc khu nhận định, phát triển kinh tế địa phương phải bao gồm đầu tư thông minh vào cơ sở hạ tầng cần thiết để trở thành nam châm thu hút nhân tài, các công ty trong nước và vốn nước ngoài, góp phần quan trọng trong tăng trưởng cho Incheon nói riêng và đất nước Hàn Quốc nói chung.
Cạnh đó, chính quyền cảng Incheon được thành lập vào năm 2005 nhằm phát triển, quản lý và điều hành cảng Inchoen với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, một cơ sở hậu cần cạnh tranh. Từ đó, cảng Incheon đóng vai trò quan trọng bậc nhất của “xứ sở kim chi”.
Tất cả hoạt động kinh doanh ở bờ tây của bán đảo Hàn Quốc đều thông qua đây, mở cửa cảng ra thế giới bên ngoài, đem lại hiệu quả lan tỏa cho nền kinh tế Hàn Quốc, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Chính quyền Incheon cho biết, mục tiêu tạo ra nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt phát triển của thành phố. Incheon đẩy mạnh phát triển giáo dục, bên cạnh phát triển “thành phố tiếng Anh”.
Hàng loạt trường đại học bao gồm đại học quốc tế chất lượng cao ra đời, không chỉ thu hút sinh viên từ nhiều quốc gia mà cũng tạo nguồn nhân lực lớn cho Incheon. Incheon là nơi diễn ra các trận tranh tài cho Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2002, Đại hội thể thao châu Á năm 2014 và Giải vô địch điền kinh châu Á năm 2015...
Tầm nhìn Incheon vào năm 2030
Trong 10 năm tới, Incheon hướng tới mục tiêu trở thành thành phố lớn thứ hai ở Hàn Quốc, chỉ sau Seoul. Thành phố sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, trung lập khí thải CO2, góp phần giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cải thiện hơn nữa cuộc sống người dân.
Incheon thực hiện mục tiêu tăng số lượng việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao bằng những chính sách khuyến khích phát triển các ngành nghề cụ thể, động lực cho tăng trường kinh tế vùng.
Thành phố thông minh Incheon tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có nền kinh tế tri thức phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, kết nối và tự động hóa trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý và cung cấp những tiện ích phục vụ người dân, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Thị trưởng Incheon Park Nam-choon phát biểu rằng, 40 năm qua sau ngày tách tỉnh Gyeonggi, Incheon trở thành một trong những trung tâm kinh tế toàn cầu với sân bay quốc tế, cảng và khu kinh tế tự do.
Incheon tiếp tục theo đuổi chính sách phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, mang đến sự hài lòng cho người dân thành phố. Tầm nhìn của Chính phủ Hàn Quốc đã tạo nên một Incheon vị thế của ngày nay.