Thanh Quế: Người nặng lòng với đất Quảng

NGUYỄN TAM MỸ 08/11/2015 12:40

Tôi quen thân với nhà thơ Thanh Quế đã mấy chục năm nay, biết ông có không ít cơ hội để “đi lên”, để về Hà Nội làm “công dân thủ đô” nhưng rồi ông lại khước từ, cứ bám trụ ở xứ Quảng mà sống và làm việc. Ông bảo với tôi: “Quảng Nam - Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình”.

Chân dung nhà thơ Thanh Quế qua nét vẽ của con trai - họa sĩ Phan Tuy An.
Chân dung nhà thơ Thanh Quế qua nét vẽ của con trai - họa sĩ Phan Tuy An.

Những trang viết nghĩa tình

Nhiều khi tôi lẩn thẩn nghĩ, Thanh Quế là nhà văn hay nhà thơ? Thật khó minh định! Bởi ông sáng tác cả văn lẫn thơ và lĩnh vực nào ông cũng đạt được những thành tựu. Trước nhà em sông Vu Gia là bài thơ ông viết thời chiến tranh, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, nhanh chóng được phổ biến rộng rãi ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Thanh Quế làm nhiều thơ ở nhiều đề tài khác nhau, nhiều bài được bạn đọc nhớ mãi như Người ăn xin, Mình má ngôi nhà hoang, Trưa 30.4.1975…  Nhưng với tôi, Thanh Quế còn có những bài thơ chân mộc, thấm đẫm tình người viết về quê nhà Phú Yên và “quê hương thứ hai” Quảng Nam - Đà Nẵng. Trường ca Chiến khu là một ví dụ. Có cảm giác khi viết trường ca này, ông sống lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, được bà con dân tộc ở nóc ông Để, nóc bà Bốn, nóc ông Rin… nơi vùng rừng núi Trà My cưu mang đùm bọc nên có những câu thơ đầy hình tượng: “Trà My/ Thấp thoáng sương mù/ Hiện lên những khuôn mặt vàng như nghệ”; “Những khuôn mặt màu đất đen khắc khổ/ Ngực phanh trần/ Manh vỏ cây làm khố/ Nhường áo cho ta mặc ấm những đêm đông”…

Thanh Quế tên thật là Phan Thanh Quế, sinh năm 1945 tại Tuy An - Phú Yên. Năm 1954, theo cha tập kết ra Bắc, học ở Trường học sinh miền Nam rồi khoa Sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Năm 1969, vào chiến trường, công tác tại Tiểu ban văn nghệ khu 5. Khi nước nhà thống nhất, ông tham gia Trại viết khu 5, sau đó về Tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập thơ. Được một thời gian, ông chuyển ngành về công tác tại Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Thanh Quế đã xuất bản 10 tập thơ, 25 tập truyện, ký, tiểu thuyết, 2 tập hồi ký - chân dung văn nghệ. Đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước…

Ngoài thơ ca, Thanh Quế còn có những trang văn viết về đất và người xứ Quảng khiến người đọc xúc động. Truyện ngắn Buổi trưa ở Điện Bàn kể về bà mẹ “có con đi lính” ở bên kia chiến tuyến nhưng bà mẹ lại nuôi giấu “bộ đội đằng mình” trong nhà sau trận đánh Trùm Giao. Bà cụ vui tính cũng là truyện ngắn viết về mẹ Xoài ở Kỳ Sơn dám tháo gỡ bom mìn trả lại màu xanh cho đất sau ngày quê hương giải phóng với giọng văn sinh động khiến người đọc nhớ mãi. Các tiểu thuyết Cát cháy, Rừng trụi viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ nhưng với cách nhìn chân thực hơn, nhân bản hơn. Ngoài ra, Thanh Quế cũng là tác giả của nhiều truyện ngắn hay: Hai chị em, Kỷ niệm nhỏ trong rừng, Bếp lửa làng Tà Băng…

Sẽ không trọn vẹn nếu không đề cập mảng hồi ký - chân dung văn nghệ của Thanh Quế. Qua hai tập Về Nam và Từ những trang đời, ông kể về bạn bè văn nghệ một thời “nếm mật nằm gai” ở căn cứ Trà My trong những năm chiến tranh một cách chân thực, sinh động, với những nét chấm phá thú vị. Đó là Chu Cẩm Phong (Nhớ Chu Cẩm Phong trong cái rét tháng giêng), Phan Tứ (Phan Tứ như tôi đã biết), Nguyễn Chí Trung (Nguyễn Chí Trung xin cảm ơn anh), Hà Xuân Phong (Hà Xuân Phong đi thăm người đẹp), Cao Duy Thảo (Những năm tháng sống lại), Ngô Thế Oanh (Nhà thơ của nỗi cô đơn)… So với bạn bè cùng trang lứa, Thanh Quế quả là một trong số ít người cần mẫn “cày bừa trên cánh đồng chữ nghĩa” mà không biết mệt.

Hết mình với bè bạn

Cũng như các bậc đàn anh khác ở Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, nhà thơ Thanh Quế rất nhiệt tình dìu dắt giúp đỡ các cây bút trẻ mới chập chững bước vào làng văn. Nhà thơ Nguyễn Kim Huy khi đó từ Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn chuyển về NXB Đà Nẵng công tác. Được Thanh Quế động viên, anh đưa bài thơ ưng ý nhất cho Tạp chí Đất Quảng. Ông đọc và khen hay. Quả nhiên, bài thơ ấy trình làng, được người yêu thơ đánh giá cao, được các em sinh viên chép vào sổ tay thơ. Nguyễn Kim Huy bảo với tôi: “Nếu không có con mắt xanh của nhà thơ Thanh Quế, có lẽ mình sẽ không trở thành nhà thơ như bây giờ”. Còn nhà văn Bùi Tự Lực đến với văn chương như thế này: Ngồi uống bia vỉa hè, nghe Bùi Tự Lực kể chuyện, thấy “gã tóc dài chấm vai” có vốn sống phong phú, Thanh Quế khuyên: “Mày viết văn chắc chắn sẽ nổi danh!”. Mà đúng thế thật. Tập truyện thiếu nhi Nội tôi của Bùi Tự Lực đoạt ngay giải thưởng lớn của NXB Kim Đồng. Phấn khởi, anh viết tiếp một cuốn nữa và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Còn tôi, ông nói: “Mày làm báo, đi nhiều biết nhiều, gặp đủ hạng người, tại sao không chịu viết văn?”. Tôi bảo: “Viết văn khó lắm anh ơi!”. Ông cười: “Khó gì! Muốn viết truyện thì hãy đọc truyện thật nhiều rồi viết được thôi”. Tôi làm theo lời khuyên ấy. Và tôi được bạn đọc ít nhiều biết đến qua những trang văn…

Tác giả và nhà thơ Thanh Quế tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX-2015.
Tác giả và nhà thơ Thanh Quế tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX-2015.

Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, cho đến nay, có lẽ nhà thơ Thanh Quế là người chịu khó viết rất nhiều lời tựa, lời bạt sách của anh em bạn bè. Ai nhờ là ông nhận lời ngay, không một chút đắn đo do dự, cho dù ông không khi nào rảnh rỗi. Viết lời tựa, lời bạt chỉ độ vài ba trang giấy A4 nhưng để viết được chừng ấy phải đọc đi đọc lại bản thảo nhiều lần, nắm bắt nội dung cốt lõi mới chấp bút được. Mệt và tốn thời gian. Thế nhưng Thanh Quế luôn sẵn lòng.

Và sẵn sàng “chịu trận”

Năm 1978, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập và Đất Quảng là tạp chí sáng tác, lý luận phê bình văn học của hội được xuất bản. Tôi nhớ khoảng thời gian từ 1987 đến 1992, lúc bấy giờ tạp chí Đất Quảng đăng nhiều bài viết “gai góc” phản ánh chân thực và sinh động cuộc sống ở địa phương, được bạn đọc cả nước quan tâm. Và cũng chính vì thế mà người cầm trịch - nhà thơ Thanh Quế, lắm phen khốn đốn lao đao. Tôi nhớ, hồi đó Tạp chí Đất Quảng đăng cái ký Úp phuy, chuyện có thật ở xã Đại Phương của Hồ Duy Lệ. Nội dung phản ánh đời sống cơ cực của bà con xã viên trong khi hợp tác xã được ca ngợi như một hình mẫu ăn nên làm ra. Và địa phương nọ tự “vơ vào” mình, kiện tụng búa xua. Cãi qua cãi lại mãi, chẳng bên nào thắng, cuối cùng huề! Cứ ngỡ Thanh Quế sẽ tởn đến già, ai hay ông lại dính vào “vụ” Suy nghĩ trên đường làng - bút ký của Hồ Trung Tú, gây tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Anh em văn nghệ cứ đinh ninh Thanh Quế “lâm nạn” nhưng rồi ông lại “vượt qua” một cách không ngờ!

Thanh Quế khổ nhất, lận đận nhất là vì tôi, bởi tôi là người mang lại cho ông bao rắc rối! Năm 1989, tôi viết bút ký Hoàng hôn quê ngoại đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng tôi lại là hội viên của Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng. Tôi thầm nghĩ rằng, chắc ông sẽ khuyên tôi viết khác đi, ai dè lại khen: “Mày viết được đấy! Cứ vậy mà viết, sợ gì!”. Năm 1990, Tạp chí Đất Quảng đăng bút ký Tiếng chim không báo điềm lành của tôi. Lần này to chuyện. Huyện làm căng, tôi phải chạy ra Đà Nẵng… lánh nạn. Nhờ có nhà thơ Thanh Quế can thiệp trực tiếp với Tỉnh ủy, tôi mới về quê mà không bị làm khó dễ. Nhưng bản thân ông lại phải đón nhận bão dông ập xuống. Ông lường trước được điều đó. Và trong một cuộc họp “đấu tố” ông, ông không giãi bày hay biện minh, “ngoan ngoãn” nhận khuyết điểm và chủ động xin từ chức. Các vị chức sắc chưng hửng. Ông nghỉ thì ai sẽ là người “gác cổng văn nghệ” ở địa phương? Không có ai xứng đáng hơn ông! Vậy là các vị xuống xề, vỗ về ông… Sau này gặp tôi, Thanh Quế cười hề hề: “Tao biết thế nào các vị ấy quần tao tơi tả và bắt nhận hình thức kỷ luật, tao nhận hết và xin từ chức, vậy là thoát nạn…”. Thanh Quế là thế, ông luôn sẵn sàng “chịu trận” để bảo vệ anh em văn nghệ khi gặp “tai nạn văn chương”...

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh Quế: Người nặng lòng với đất Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO