(QNO) - Những năm trở lại đây, hình thức thanh toán điện tử gia tăng trên toàn thế giới, đặc biệt như trong mùa dịch Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị mọi người nên chuyển sang giao dịch không dùng tiền mặt để góp phần ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Bởi vi rút corona chủ yếu lây lan qua tiếp xúc như ho, hắt hơi và vi rút có thể tồn tại trên các bề mặt khác như tiền xu, tiền giấy… Nhanh chóng, việc thanh toán không dùng tiền mặt càng tăng mạnh khi một số chính phủ và nhà bán lẻ trên toàn thế giới hành động.
Như tại Đức, nhiều biện pháp giãn cách xã hội được ban hành để ngăn chặn vi rút corona, nhưng một số hoạt động kinh tế vẫn được phép duy trì như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc. Theo Ngân hàng Trung ương Đức, người dân nước này gần đây đã trả tiền cho hàng hóa và dịch vụ bằng các loại thẻ tăng hơn 40%.
Tương tự tại Canada, một số nhà bán lẻ không sử dụng tiền mặt để giao dịch trong các cửa hàng để giữ an toàn cho nhân viên và khách hàng trước mối đe dọa dịch bệnh, thay vào đó họ chọn hình thức thanh toán khác. Trong khi đó, đối với những người bị giới hạn trong nhà vì dịch bệnh, mua sắm và thanh toán trực tuyến là sự lựa chọn ưu tiên.
Ngân hàng Nhật Bản ước tính rằng tiền mặt chiếm tới 53% tài sản hộ gia đình. Tuy nhiên, trước hiểm họa của corona, văn hóa thanh toán không tiền mặt dần phổ biến ở người tiêu dùng nước này. Số lượng giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng vọt khi các quốc gia áp dụng phong tỏa một số địa phương, thậm chí trên toàn quốc.
Ngay cả Iran - nơi không có có ngân hàng quốc tế như thẻ tín dụng Visa hay Mastercard vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, những dấu hiệu mới đã xuất hiện tại một số trạm xăng ở Tehran: dịch vụ chỉ dành cho những người sẽ thanh toán bằng thẻ ghi nợ (debit card). Đây một thẻ nhựa nhỏ được sử dụng thay cho tiền mặt để thanh toán khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ… được liên kết với tài khoản ngân hàng. Trong thẻ có bao nhiêu tiền, người sử dụng có thể sử dụng bấy nhiêu, không vượt mức số tiền có trong thẻ.
Giáo sư kinh tế Zachary Cohle thuộc Đại học Quinnipiac ở Connecticut (Mỹ) cho biết, trong nhiều lĩnh vực, tiền mặt đã bắt đầu biến mất bởi nguy cơ bị cướp gia tăng và sự tiện lợi, tính phổ biến của internet, công nghệ di động. Diễn biến này cũng phù hợp với xu hướng “nói không với tiền mặt” trên toàn thế giới.
Còn tính về mặt chi phí, lấy một ví dụ: ở Ấn Độ, 1,7% GDP - hay 210 tỷ USD được dành chi cho in ấn, lưu trữ và phân phối tiền mặt. Nếu tất cả các khoản thanh toán qua hình thức kỹ thuật số, đây sẽ là một khoản tiết kiệm ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền mặt hiện phổ biến ở những khu vực như Tây và Trung Phi - nơi nhiều người không thể trả chi phí cho các dịch vụ ngân hàng. Theo các chuyên gia, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa thể phổ biến ở những nơi mà người dân chưa tiếp cận được hệ thống internet cũng như không có điều kiện sở hữu điện thoại thông minh...