Chỉ khoảng 28 cuộc thanh tra (7 hành chính và 21 chuyên ngành) với khoảng 1 tỷ đồng bị xử phạt trong vòng 10 năm qua ở Quảng Nam là con số quá nhỏ so với tốc độ đầu tư xây dựng bùng phát lâu nay.
Áp lực đô thị
Không chỉ Tam Kỳ được chọn làm trung tâm dịch vụ thương mại phía nam của tỉnh hay Hội An sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch, trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, hệ thống đô thị Quảng Nam cũng đã nhanh chóng thay đổi về quy mô cả chất và lượng sau 17 năm kể từ khi tái lập tỉnh. Ngoài 15 đô thị cũ, đã có thêm 6 đô thị mới hình thành tại Điện Nam – Điện Ngọc, Chu Lai và các thị trấn huyện lỵ mới chia tách, đã dần trở thành những đô thị động lực. Khó hội đủ điều kiện để phát triển thành những đô thị lớn nên mô hình các chuỗi, cụm đô thị nhỏ đang phát triển nhanh trong toàn tỉnh. Theo nhận định của các chuyên gia kiến trúc, việc mở rộng hay định hình đô thị là nhu cầu tất yếu của xu thế phát triển. Tỉnh ủy cũng đã ra một nghị quyết phát triển đô thị đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Các công trình đầu tư xây dựng (kể cả chất lượng, an toàn lao động, bảo hiểm cho người lao động...) rất cần thêm những cuộc thanh, kiểm tra. (ảnh chỉ có tính minh họa) |
Dù với quan điểm không phát triển đô thị bằng mọi giá và quy hoạch chất lượng để tạo nên những đô thị động lực vùng miền giàu bản sắc, nhưng nhu cầu thay đổi của người dân không thể dừng lại. Không gian đô thị đang được mở rộng một cách nhanh chóng. Bộ mặt đô thị đã khang trang, hiện đại hơn nhiều lần. Hạ tầng cứng và mềm đều có những tiến bộ vượt bậc so với 17 năm trước. Ngoài ra, với những chính sách ưu đãi đầu tư, Quảng Nam đã thu hút khá nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phát triển đô thị. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đã được đầu tư; thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển; nhu cầu nhà ở, kinh doanh ngày càng cao…
Không kể những dự án phát triển đô thị được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, không ít doanh nghiệp đã đến xin đất để đầu tư dự án với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Hệ quả nhiều đô thị quy hoạch rồi… để đất hoang hóa và dường như doanh nghiệp đầu tư chỉ muốn chiếm đất để “chờ thời” vì nhiều khu không kết nối với hệ thống hạ tầng, giao thông công cộng. Trong bối cảnh này, sự có mặt của thanh tra xây dựng là cần thiết, nhưng thực tế vẫn đang là lỗ hổng khó có thể lấp đầy. Các cuộc thanh tra, kiểm tra của thanh tra Sở Xây dựng chỉ nêu lên vài sai phạm, thiếu sót tập trung ở khâu tư vấn thiết kế, đấu thầu và nghiệm thu quyết toán công trình. Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, nhà thầu xây dựng còn nhiều sai sót trong tính toán, phê duyệt dự án đẩy tăng giá trị gói thầu để thực hiện đấu thầu hoặc chỉ định thầu và thi công chưa đúng thiết kế được duyệt. Chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm dẫn tới nhà thầu không thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng thi công hoặc chưa hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán các hạng mục công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Giải pháp?
Con số 28 cuộc thanh tra được thực hiện trong vòng 10 năm qua với số tiền phạt 1 tỷ đồng và không phát hiện ra vụ việc nào “tham nhũng” trong lĩnh vực đầu tư xây dựng vừa được báo cáo hồi cuối tháng 2, cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra xây dựng còn nhiều hạn chế. Chánh thanh tra Sở Xây dựng Trịnh Xuân Thái nói, từ khi thành lập đến nay, con người, cơ sở vật chất và các điều kiện khác phục vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành chưa được bố trí theo quy định. Vì vậy việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao gặp rất nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, dự án đầu tư xây dựng nhiều, việc triển khai các cuộc thanh tra chuyên ngành cũng như kiểm tra nhằm chấn chỉnh các hành vi vi phạm của các chủ thể tham gia trong hoạt động xây dựng luôn gặp khó khăn vì thiếu kinh phí và phương tiện đi lại.
Ông Đoàn Văn Viên - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy không “đồng ý” với kết quả thanh tra, kiểm tra trong vòng 10 năm lại không phát hiện vụ việc nào tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng để xử lý. Ông Viên nhận định, lĩnh vực đấu thầu, thi công, chất lượng công trình kém vẫn thường xuyên diễn ra. Rờ đâu cũng thấy sai phạm nhưng tại sao không thể phát hiện được? Bởi một điều chắc chắn rằng làm sòng phẳng, đúng quy trình, thủ tục, chất lượng thì lãi ít. Chỉ tại mình chưa phát hiện chứ không thể không có. Vì vậy, thanh tra xây dựng nên tiến hành nhiều đợt kiểm tra. Có thể không xử phạt, nhưng phải chỉ ra để cho thấy hiệu lực của thanh tra ngành. Tuy nhiên, ông Viên cũng cho rằng với 8 thanh tra và 107 cán bộ, nhân viên của 16 đội quản lý trật tự xây dựng trong toàn tỉnh thì khó có thể xử lý hết mọi việc. Nên cần phải đặt vấn đề tuyên truyền lên hàng đầu, đúng mức để điều chỉnh, kết hợp với giám sát từ cơ sở. Ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng dân chúng luôn nói công trình của dân chất lượng hơn vì được giám sát kỹ, còn công trình nhà nước thì ngược lại. Vì thế, cần thanh tra xây dựng năng động hơn, nhất là việc quản lý quy hoạch. Không nên “vẽ” ra các quy hoạch tốn khá nhiều tiền của nhưng không thể thực hiện được. “Quan trọng hơn là phải xử phạt, bởi không phạt, không thu giấy phép thì làm sao người vi phạm tuân thủ pháp luật” - ông Cảnh nói.
Trước hàng loạt câu hỏi và nghi vấn đặt ra từ phía công luận, ông Trịnh Xuân Thái - Chánh thanh tra Sở Xây dựng nói, lực lượng thanh tra mỏng nên chủ yếu chỉ thanh tra, kiểm tra các công trình trọng điểm. Nhưng với sự ra đời của Luật Xây dựng, cơ chế quản lý trong lĩnh vực này được chuyển sang cơ chế hậu kiểm. Do đó, việc tăng cường lực lượng về số lượng cũng như chất lượng cho cơ quan thanh tra xây dựng là hết sức cần thiết. Cơ quan thanh tra xây dựng đã soạn thảo xong đề án về quy chế thanh tra xây dựng theo hai phương án. Một là rút tất cả các đội quản lý về thanh tra sở hoặc bổ sung thêm biên chế để tiến hành các cuộc thanh tra chuyên ngành. Sắp tới sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt để nhanh chóng thực hiện, dự kiến vào quý II/2014.
Giải pháp để lấp đầy khoảng trống thanh tra xây dựng, tiến hành mở rộng các cuộc thanh tra, kiểm tra hơn được xem là đã rõ ràng hơn, nhưng liệu hiệu quả của cơ quan thanh tra xây dựng đến đâu thì vẫn phải chờ đợi.
TRỊNH DŨNG