Ban chỉ đạo xây dựng Hội An - thành phố sinh thái - văn hóa- du lịch vừa tổ chức thành công hội nghị chuyên đề xây dựng “Tộc văn hóa”. Nhiều ý kiến của các vị thành viên hội đồng gia tộc đã gợi mở hướng đi mới trong xây dựng phong trào.
Khen thưởng cho các tộc tiêu biểu trong xây dựng “Tộc văn hóa” tại TP. Hội An. Ảnh: L.N.T |
Vào cuộc trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin TP.Hội An, sau 3 năm triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh về quy chế công nhận danh hiệu “Tộc văn hóa”, toàn thành phố đã phát động xây dựng 78 tộc. Kết quả, năm 2015: có 67/76, năm 2016: có 71/76, năm 2017: có 68/78 tộc đạt danh hiệu “Tộc văn hóa”. Để đạt được kết quả này, sự phối hợp khá chặt chẽ giữa MTTQ với ngành văn hóa được thể hiện đậm nét qua các phần việc phối hợp. Hàng năm, Mặt trận thành phố tổ chức đăng ký thi đua đối với Mặt trận 13 xã, phường; thường xuyên chú trọng đến chất lượng xây dựng “Tộc văn hóa”… Bên cạnh đó, Mặt trận thành phố quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về xây dựng đời sống văn hóa; hướng dẫn hội đồng gia tộc các “Tộc văn hóa” tham gia thực hiện việc chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới.
Nhiều tộc đã hưởng ứng tích cực phong trào hiến đất, phá dỡ tường rào vật kiến trúc, giải tỏa bàn giao mặt bằng… để thực hiện các khu quy hoạch, các dự án, làm đường giao thông; tham gia thực hiện mô hình “Chung tay thoát nghèo bền vững”. Các tộc đã vận động thành viên trong gia tộc được gần 400 triệu đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn trong gia tộc có phương tiện sản xuất, hỗ trợ các cháu học tập, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tiêu biểu trong phong trào này có tộc Phan Xuân - Phước Thắng (Cẩm Kim); Nguyễn Văn (Trà Quế), Nguyễn Văn - Trảng Kèo, Lê Văn - Đồng Nà (Cẩm Hà); Lê Công - Thanh Nhứt (Cẩm Thanh)...; tộc không có hộ nghèo như: Nguyễn Đăng - An Bàng, Cẩm An…
Công tác khuyến học, khuyến tài, tương thân tương trợ, chăm sóc người cao tuổi (mừng thọ) là một trong những nội dung sinh hoạt gia tộc được các tộc thực hiện hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, quỹ khuyến học huy động từ các tộc hơn 2,5 tỷ đồng, kịp thời khen thưởng 3.011 lượt con cháu là học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Việc khuyến khích con cháu đến tuổi trưởng thành lập thân, lập nghiệp cũng được các tộc chú trọng. Để giáo dục con cháu hướng về cội nguồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tổ tiên, hàng năm vào các dịp chạp mả, ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam, các tộc đều tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên. Điển hình trong phong trào này có tộc Phan Xuân (Cẩm Kim), tộc Võ Văn (Thanh Hà); tộc Lê Văn (Cửa Đại); tộc Nguyễn Văn - Trà Quế...
Hướng mở cho phong trào
Bên cạnh những kết quả tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động gia tộc trên địa bàn TP. Hội An vẫn còn những khó khăn nhất định. Hình thức tuyên truyền, vận động xây dựng “Tộc văn hóa” chưa được đổi mới, nặng về thủ tục hành chính trong việc đăng ký, bình xét danh hiệu. Phong trào chỉ dừng lại ở các bậc cha mẹ, ông bà, những người lớn tuổi, chưa thu hút mạnh mẽ lực lượng trẻ tham gia. Để hoạt động gia tộc trong thời gian đến đạt kết quả cao hơn, nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại diện hội đồng gia tộc các “Tộc văn hóa” được biểu dương tại hội nghị đã góp tiếng nói chung trong xây dựng phong trào.
Ông Lê Lưỡng - Tộc trưởng tộc Lê Văn thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà cho rằng: tộc Lê Văn giữ vững “Tộc văn hóa” nhiều năm liền bởi hội đồng gia tộc chọn phương châm hoạt động “một người khó cả tộc chăm lo” để hỗ trợ, giúp nhau. Nhiều gia đình trong tộc có con em đến tuổi lao động được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ổn định. Nhiều gia đình được trợ giúp phương tiện sản xuất, xây dựng nhà ở để an cư lập nghiệp. Đại diện hội đồng các gia tộc phường Cẩm Nam thì cho rằng hoạt động gia tộc trong thời gian đến cần tập trung tổ chức các hình thức sinh hoạt tạo sự gắn kết dòng tộc; đoàn kết giữ tình huyết thống; làm tốt công tác hòa giải trong nội bộ gia tộc; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, cúng tế, tang ma, cưới hỏi... Tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tộc họ; xây dựng tính tự nguyện, tự giác của mỗi thành viên trong dòng tộc gắn với sự phối hợp chặt chẽ giữa cá nhân - gia đình - dòng tộc để tạo nên động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào phát triển.
Là một trong những địa phương biết phát huy giá trị văn hóa cộng đồng để phát triển du lịch bền vững, Ban chỉ đạo xây dựng Hội An thành phố Sinh thái - Văn hóa và Du lịch đã chọn việc xây dựng mô hình “Tộc văn hóa” để phát huy giá trị gia đình, dòng tộc trong xây dựng phong trào ngày càng hiệu quả.
LÊ NHƯ THỦY