(QNO) - Số ca nhiễm và tử vong mới do HIV đang giảm trên toàn cầu nhưng HIV vẫn chưa bị xóa sổ và thế giới cần phải làm nhiều hơn nữa - thông điệp nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) năm nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Tiến bộ nhưng chưa đồng đều
Báo cáo từ Cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của Liên hiệp quốc (UNAIDS), số người mắc HIV vào năm 2023 ít hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi căn bệnh này bùng phát vào cuối những năm 1980.
Cũng năm ngoái, thế giới chứng kiến khoảng 630 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS - mức thấp nhất kể từ mức đỉnh điểm 2,1 triệu ca vào năm 2004.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet HIV vào ngày 26/11, số ca nhiễm HIV trên toàn cầu giảm 1/5 trong khi số ca tử vong liên quan đến HIV, thường do các bệnh khác gây ra trong giai đoạn AIDS (giai đoạn cuối cùng của bệnh nhiễm HIV) giảm khoảng 40% xuống dưới 1 triệu ca mỗi năm.
Sự suy giảm trên chủ yếu do tỷ lệ cải thiện ở châu Phi cận Sahara nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch nhưng nhiều khu vực như Đông Âu và Trung Đông lại chứng kiến số ca nhiễm HIV tăng lên.
Đáng chú ý, 1/4 trong số 40 triệu người đang sống chung với HIV vẫn chưa được điều trị bệnh.
Công cụ mạnh mẽ chống HIV
Hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) chứng minh người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ đúng sử dụng thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.
Đối với người bị nhiễm HIV, liệu pháp kháng vi rút ARV có thể làm giảm nồng độ vi rút trong máu nên hệ miễn dịch vì thế không bị ảnh hưởng. Hầu hết người nhiễm HIV đang điều trị ARV hiện nay vẫn khỏe mạnh, học tập, lao động, sinh con khỏe mạnh bình thường...
Nhưng hiện khoảng 9,3 triệu người sống chung với HIV chưa thể tiếp cận thuốc ARV.
Kỳ vọng vào thuốc mới
Các thử nghiệm ban đầu phát hiện phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi rút thế hệ mới Lenacapavir có hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV và chỉ cần tiêm 2 lần một năm, dễ sử dụng hơn nhiều so với các phác đồ hiện tại yêu cầu phải uống thuốc hằng ngày.
Lenacapavir ngăn không cho vi rút HIV hình thành lớp vỏ bên ngoài của chúng. Không có vỏ, vi rút HIV không thể tồn tại, sao chép và lây nhiễm tế bào người.
Lenacapavir do Hãng dược Gilead Sciences sản xuất và được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép vào năm 2022 và sau đó nhiều quốc gia khác chấp thuận sử dụng. Tuy nhiên, việc điều trị bằng loại thuốc này khiến bệnh nhân tiêu tốn hơn 40 nghìn USD mỗi năm.
Chưa có vắc xin phòng HIV
Dù thế giới nỗ lực trong nhiều thập kỷ, vắc xin phòng ngừa HIV vẫn còn là ẩn số.
"Nhưng về cơ bản, mũi tiêm Lenacapavir giống như tiêm vắc xin phòng HIV" - Andrew Hill - nhà nghiên cứu tại Đại học Liverpool của Anh nhận định.
Những năm gần đây, một số ít bệnh nhân được chữa khỏi HIV hiệu quả nhưng chỉ xảy ra sau khi bệnh nhân trải qua ca ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu, do đó không phải là lựa chọn cho hầu hết bệnh nhân HIV.
Dù số ca mắc mới giảm đáng kể, 1,3 triệu ca nhiễm HIV mới ghi nhận vào năm ngoái vẫn cao hơn gấp 3 lần so với mức cần thiết để đạt mục tiêu của Liên hiệp quốc trong việc chấm dứt AIDS - mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng vào năm 2030.