Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ cấu lại thu chi ngân sách là một trong những nội dung được thảo luận nhiều tại Hội nghị Tỉnh ủy diễn ra hôm qua (4.7); trong bối cảnh GRDP 6 tháng chỉ tăng trưởng 6,36% và thu ngân sách mới đạt 45,5% dự toán năm 2017.
Thu ngân sách gặp khó khăn, Quảng Nam đang tìm hướng gia tăng ngân sách từ các ngành kinh tế khác như dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp… |
Tăng trưởng chậm lại
Dù Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; nhất là thúc đẩy cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, song bức tranh kinh tế và ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều điểm nghẽn. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng chỉ tăng 6,36% so với cùng kỳ năm 2016 và là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm gần đây. Đáng chú ý là tăng trưởng trong khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ đạt 4,73% (6 tháng đầu năm 2016, mức tăng trưởng đạt 35%). Cùng với giá trị tăng trưởng thấp, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến thời điểm 1.6.2017 cũng tăng khá cao so với cùng thời điểm này năm trước, trong đó, riêng chỉ số tồn kho của xe tải KIA là 4,440% (tồn kho 2.442 chiếc).
Sự sụt giảm của ngành ô tô đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế và con số thu ngân sách. Tính đến cuối tháng 6.2017, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 9.510 tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán năm và chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với những khó khăn do các yếu tố khách quan đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, Tỉnh ủy cũng cho rằng, công tác đánh giá, dự báo tình hình khi xây dựng kế hoạch còn hạn chế, chưa lường định hết các khó khăn, thách thức cho ngành sản xuất ô tô. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, đã gây ảnh hưởng lớn tiến độ đầu tư và giải ngân các dự án.
Điều chỉnh thu chi
Những điểm nghẽn của nền kinh tế đã được nhìn thấy tại hội nghị này. Ông Nguyễn Văn Lúa – Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói sẽ khó lấy lại đà tăng trưởng của ô tô nên cần tập trung vào các ngành khác còn khá nhiều dư địa như đất đai, xây dựng, may mặc hay thu hồi nợ đọng thuế. Nếu phối hợp được việc xác định giá đất giữa các chính quyền, cơ quan quản lý thì những “năng lực” này sẽ có khả năng tăng trưởng, góp thêm nguồn lực vào ngân sách. Ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho hay, ô tô đang gặp khó khăn. Dự báo khả năng có thể hụt thu ngân sách nội địa hơn 2.000 tỷ đồng. Ngân sách chỉ còn dựa vào sự gia tăng của các ngành kinh tế khác. Đó là thúc đẩy giải phóng mặt bằng, sớm đưa dự án vào hoạt động, xây dựng vãng lai, bất động sản, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế. Các ngành, địa phương cần đánh giá, chủ động rà soát việc chi ngân sách. “Sẽ hụt thu lớn, nên cần xây dựng, điều chỉnh phương án thu, chi phù hợp với địa phương” - ông Chín nói.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm là thách thức lớn nhất hiện nay của Quảng Nam. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói, hiện có quá nhiều dự án bị chậm trễ tiến độ vì không thể giao mặt bằng, kéo theo lượng vốn đầu tư của Nhà nước lẫn doanh nghiệp không thể đổ vào nền kinh tế. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển, mở rộng sản xuất, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm (tuyến đường Điện Biên Phủ - Tam Kỳ, các tuyến đường tỉnh, các tuyến nối đường ven biển 129 đến quốc lộ 1, đường cao tốc, hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng, cảng cá Tam Quang...). Rất cần đánh giá, phân tích khả năng thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2017 để xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp, chống thất thu, rà soát, cắt giảm các khoản chi đầu tư chưa thực sự bức thiết và tiết kiệm chi thường xuyên bù vào phần hụt thu. Một vấn đề cần được tháo gỡ chính là đẩy nhanh tiến độ bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý hiện trạng, bảo đảm cho toàn bộ dự án vùng đông nam thực hiện đúng tiến độ cam kết...
Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tìm động lực tăng thu từ các ngành sản xuất khác, bù đắp vào chỗ thiếu hụt của ô tô. Nếu tạo điều kiện, cầu thị để có thể giải ngân hết nguồn lực từ chính các doanh nghiệp, cơ hội phát triển, tăng trưởng kinh tế vẫn rộng mở. “Muốn tăng trưởng sản xuất, tăng thu ngân sách phải đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Nhưng hiện tại chúng ta đang rất lúng túng vì rất khó tạo ra mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Giải quyết được điều này sẽ bước ra khỏi những vướng mắc và thấy ngay được tăng trưởng” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG