Tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng và giải ngân

X.PHÚ - N.ĐOAN 20/07/2022 06:40

Tại phiên thảo luận ở tổ và chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh diễn ra vào hôm qua 19.7, một trong những vấn đề nóng được các đại biểu thảo luận sôi nổi, đó là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và chỉ số PCI của tỉnh tụt hạng.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phát biểu chất vấn chiều ngày 19.7. Ảnh: Đ.P
Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh phát biểu chất vấn chiều ngày 19.7. Ảnh: Đ.P

Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

Đại biểu Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Quảng cho rằng, hiện nay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) được giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện thực hiện.

Qua theo dõi, có nhiều dự án đầu tư công cũng như đầu tư tư đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB đạt đến 97 - 98%, còn 2 - 3% nhưng cứ kéo dài mãi năm này sang năm nọ, không chịu giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

“Nguyên nhân xuất phát từ cơ chế chính sách và cách làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ làm công tác GPMB. Làm cho có, hết giờ thì nghỉ, không đặt cái tâm vào công việc” - ông Dũng nói.

Liên quan đến chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công) của tỉnh tụt hạng trong hai năm qua, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Thị Kim Hoa cho biết năm 2021 Quảng Nam đứng ở vị trí thứ 35/63 tỉnh, thành phố (đạt 42,1 điểm, giảm 1,18 điểm và giảm 14 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp).

Về giải pháp trong thời gian tới, theo bà Hoa sẽ tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện chỉ số PAPI.

Cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả thủ tục hành chính liên quan đến người dân, tổ chức; rà soát, kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian và chi phí của người dân, tổ chức.

Theo ông Dũng, hiện nay chưa có chế tài, chưa có cán bộ nào bị xử lý do việc chậm thực hiện công tác GPMB. Các đơn vị thực hiện GPMB vì vậy cứ đổ lỗi do người dân không phối hợp, quy trình không đảm bảo.

Từ đó, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhiều dự án nhà đầu tư phải điều chỉnh kế hoạch vốn, kinh doanh, thậm chí tự mình loay hoay tham gia thực hiện GPMB.

“Không thể để doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay được. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ” - ông Dũng kiến nghị.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Dũng, đại biểu Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, từ thực tế địa phương cho thấy, công tác GPMB rất khó vì quản lý đất đai lỏng lẻo, cơ chế chính sách bất cập, chưa kể người dân thiếu phối hợp, đòi hỏi không đúng theo quy định chính sách bồi thường.

Trong khi đó, nhận định GPMB hiện nay đang là “điểm nghẽn rất lớn”, Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn đề nghị tỉnh có hội nghị chuyên đề bàn vấn đề này để có giải pháp tháo gỡ.

“Ở cơ sở khổ lắm, làm không khéo dân chửi, kéo lên tỉnh. Trong khi đó, bây giờ sợ trách nhiệm, sợ thanh tra, kiểm tra nên anh nào cũng lo thủ. Sở, ngành cấp tỉnh sợ thì địa phương chúng tôi cũng sợ thôi. Cuối cùng, dân và doanh nghiệp lãnh đủ” - ông Sơn nói.

Nhũng nhiễu tăng, giải ngân chậm

Liên quan đến nguyên nhân giảm điểm PCI 2021 và đề xuất giải pháp cải thiện, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Quang Thử cho biết, trong khi 93% doanh nghiệp (DN) cho rằng UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, 89% DN cho rằng UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, 84% DN tin tưởng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của mình thì cấp huyện và sở, ngành cấp tỉnh rất thấp.

Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Thử trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: P.Đ
Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Quang Thử trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: P.Đ

Cụ thể, 69% DN đánh giá chính quyền cấp huyện và 55% DN đánh giá sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh (xếp thứ 63/63 và 62/63 tỉnh, thành phố).

Từ đó khiến cho chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền giảm 0,81 điểm và giảm 42 bậc so với năm 2020. Đáng chú ý, 65% DN phản ánh hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính là phổ biến, tăng 3% so với năm 2020; vẫn còn 41% DN cùng ngành vẫn còn phải trả chi phí không chính thức.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đặt câu hỏi vì sao tỉnh thời gian qua tập trung rất lớn cho cải cách thủ tục hành chính nhưng tình trạng nhũng nhiễu lại tăng, vậy lỗi do chủ quan hay cơ chế và giải pháp nào?

Ông Thử trả lời, chi phí không chính thức là do chủ quan con người và cả nước đều có cái này, tùy địa phương cao thấp mà thôi. Vì vậy, trước tiên giải pháp là xem xét điều chuyển cán bộ như chủ trương của Tỉnh ủy.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh vì sao giải ngân vốn ODA chậm, phải chăng công tác khảo sát, lập đề án, thiết kế thi công không phù hợp và năm nào giải ngân cũng khó đạt yêu cầu nhưng nợ khối lượng rất nhiều, cơ chế điều hành có bất cập gì không, ông Thử thừa nhận đó là những nguyên nhân.

Để phấn đấu nâng cao thứ hạng chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian đến, ông Nguyễn Quang Thử cho biết UBND tỉnh ban hành Kế hoạch cải thiện chỉ số PCI trong năm 2022, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị.

Tham mưu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lấy ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để ban hành Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) và nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về cải thiện chỉ số PCI, DDCI Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Rà soát và có giải pháp sử dụng hiệu quả quỹ đất đầu tư còn trống nằm trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp hiện có. Chỉ đạo các địa phương có các dự án trọng điểm khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB để đáp ứng yêu cầu, tiến độ đầu tư của các dự án.

Luân chuyển, thay thế cán bộ thiếu tinh thần đồng hành cùng DN, giải quyết công việc chậm trễ, gây khó khăn, sách nhiễu hoặc các trường hợp có phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về tinh thần phục vụ chưa tốt.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho rằng, chỉ số PCI giảm liên tục, tình trạng nhũng nhiễu là đáng báo động. Đề nghị các sở, ngành, địa phương rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức của mình để có giải pháp chấn chỉnh.

Về vấn đề giải ngân, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường yêu cầu lãnh đạo các địa phương, bí thư huyện ủy phải vào cuộc và khẳng định: “Nếu địa phương nào giải ngân chậm phải điều vốn, xử lý trách nhiệm cán bộ, bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ, thấp sẽ không bổ nhiệm. Sắp tới Tỉnh ủy ra chỉ thị giữ vững kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng và giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO