Những câu trả lời của chính quyền lẫn cơ quan quản lý chưa hẳn đã làm “hài lòng” doanh nghiệp (DN), nhưng cuộc tiếp định kỳ hàng tháng đầu tiên hôm 6.10 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu điều hành đã cho thấy rõ thiện chí của chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn của DN. Nhiều đại biểu cho rằng đây là kênh đối thoại, trao đổi thẳng thắn, xác lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng tại Quảng Nam.
Nhiều kiến nghị
Cuộc tiếp DN định kỳ đầu tiên bắt đầu lúc 14 giờ ngày 6.10 tại trụ sở Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN. Mười hai vị “khách” DN lần lượt chờ đến phiên mình trình bày các kiến nghị trước chính quyền và cơ quan quản lý. Các ý kiến của DN xoay quanh chuyện khó khăn về thuê đất, vay vốn ngân hàng, cơ sở hạ tầng vào cụm công nghiệp, ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án và thất thu thuế kinh doanh vận tải. Ông Hồ Văn Luận – Giám đốc Công ty TNHH Kính Phước Toàn nói DN này đã tìm được 2 đối tác góp vốn bằng thiết bị trị giá 1,3 triệu USD, nhưng đang gặp khó khăn nên mong muốn UBND tỉnh tác động để ngân hàng (NH) hỗ trợ DN tiếp tục được vay 10 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và 330.000USD để mở L/C đưa thiết bị vào sản xuất. Ông Phạm Ngọc Đào – Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai nói doanh nghiệp ông thu nhận 70 lao động, nhiều năm qua không nợ lương, thuế, các loại bảo hiểm cho người lao động, nhưng năng suất lao động thấp. DN đang cần vốn đầu tư (khoảng 12 tỷ đồng), nhưng không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn NH. Ông Đào xin UBND tỉnh một cơ chế hoặc bảo lãnh cho DN vay vốn NH. Ông Tạ Ngọc Hoanh – Giám đốc Công ty CP Khu du lịch và khách sạn Phát Đạt Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án khu resort&spa Marriott tại Hội An) xin UBND tỉnh cho lùi thời hạn ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án vì lý do hồ sơ, hợp đồng của các đối tác nước ngoài bị kéo dài.
Quang cảnh buổi tiếp doanh nghiệp lần đầu tiên. Ảnh: T.D |
Ngoài các kiến nghị về vốn, tài chính, nhiều DN nợ thuế, bị rút hóa đơn xin cơ quan quản lý và chính quyền dỡ bỏ lệnh phong tỏa để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Trương Đình Hiền – Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc cho biết, sau 5 năm hoạt động, vài năm gần đây chưa thu hồi vốn bán hàng nên đã nợ thuế 1,1 tỷ đồng, khiến cơ quan thuế đã ra lệnh rút hóa đơn. Ông Hiền nói đã 10 tháng nay, DN không có hóa đơn, không thể sản xuất, kinh doanh nên không có nguồn trả nợ. DN xin cơ quan thuế tiếp tục cấp hóa đơn và DN cam kết sẽ trả nợ đúng hạn.
Không kiến nghị về thuế, vốn, nhiều DN tại các cụm công nghiệp xin chính quyền hỗ trợ việc xây dựng đường giao thông để họ tiến hành sản xuất, kinh doanh thuận lợi; nhiều DN xin được nhận lại tiền hỗ trợ cơ chế ưu đãi trước đây đã ban hành và một số DN khác yêu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đầu tư dự án. Theo ông Hồ Văn Lượng – Giám đốc Công ty Nuôi trồng thủy sản Phú Thiện (Phú Ninh), các chỉ đạo của UBND tỉnh dường như không có hiệu lực với chính quyền Phú Ninh. DN đã nộp tiền, đo đạc, thỏa thuận địa điểm xong, nhưng nhiều năm qua chính quyền Phú Ninh viện lý do đất nông nghiệp nên không cấp phép dù DN đã mua đất của dân hơn 12.000m2 và 8.000m2 của xã Tam An. DN đã gõ cửa khắp nơi nhưng chưa đi đến đâu nên không thể đưa dự án vào triển khai được. Ý kiến của DN này đã được Sở Tài nguyên – môi trường xác nhận là thủ tục dự án trang trại này đã xong nhưng UBND huyện Phú Ninh lại không đưa vào danh mục trình thì không thể hoàn tất thủ tục, hồ sơ đất đai. Nhiều lần sở có mời UBND huyện Phú Ninh để bàn thảo điều này nhưng huyện đã không cử người đến dự.
Tạo thuận lợi tối đa cho DN
Tất cả kiến nghị của DN tại cuộc gặp gỡ này đã được giải quyết nhanh, gọn đến không ngờ. Bà Nguyễn Thị Sương Thu – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Nam cho rằng NHNN không thể chỉ đạo các NH cho DN vay vốn, nhưng hiện nay các NH thương mại cũng đã có cơ chế cho vay tín chấp. Nếu DN chứng minh được tài chính lành mạnh, phương án sản xuất có hiệu quả thì NHNN sẽ đề nghị các NH xem xét thẩm định và cấp tín dụng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng giữa NH và DN cần có sự chứng nhận của các sở, ban, ngành liên quan để tránh những “dích dắc” về sau. Đối với DN còn nợ, muốn khôi phục sản xuất thì phải có phương án sản xuất hiệu quả, làm việc trực tiếp với các NH đã cho vay trước đây xem xét. Nếu thấy khả thi trong việc trả nợ mới và nợ cũ thì không có NH nào lại từ chối cho DN vay vốn. Người “hạnh phúc” nhất có lẽ là ông Trương Đình Hiền – Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc khi cơ quan thuế sẵn sàng dỡ bỏ lệnh phong tỏa hóa đơn cho DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Mai Khắc Hưng – Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói theo luật thì khi DN trả nợ xong mới được dỡ bỏ lệnh cưỡng chế hóa đơn. Nhưng nếu DN có kênh tiêu thụ tốt, cam kết phân kỳ trả nợ, nộp dần trong 12 tháng thì sẽ lại xuất hóa đơn cho DN.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu khẳng định dù khó khăn đến mấy thì chính quyền sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng; sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế ưu đãi đặc biệt, cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ngay tại cuộc gặp gỡ này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu tuyên bố DN Phú Thiện sẽ được đưa vào danh mục để xét duyệt quyền sử dụng đất. Công ty phải hoàn tất hồ sơ, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả. UBND tỉnh sẽ tạo cơ chế hỗ trợ 50% cho DN tiến hành hoàn tất đường vào các cụm công nghiệp theo như kiến nghị. Riêng đối với dự án của Phát Đạt Quảng Ngãi, quan điểm của chính quyền là dứt khoát không để DN trì hoãn tiến hành đầu tư. “Chính quyền rất mong DN đầu tư sớm. Đừng để dân trách cứ chính quyền và cơ quan quản lý về những dự án “treo”. Nếu DN gặp khó thì chính quyền sẽ sẵn sàng hỗ trợ, trừ việc khó vốn đầu tư thì Quảng Nam không thể giải quyết được. Chữ tín mới là quan trọng chứ không phải tiền ký quỹ là việc hàng đầu của các dự án đầu tư. Nếu cứ trì hoãn mãi thì buộc phải ra lệnh thu hồi giấy phép” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG