Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp

MAI NHI - ANH ĐÔNG 13/12/2016 08:28

Những hạn chế trong hoạt động của lĩnh vực kinh tế hợp tác - hợp tác xã (HTX) hiện nay đang đặt ra yêu cầu về sự cần thiết phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho mô hình này, nhất là đối với các HTX nông nghiệp...

Thiếu tính tự chủ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tính đến giữa tháng 12.2016 trên địa bàn Quảng Nam có 167 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động, trong đó có 134 HTX và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Riêng về tổ hợp tác, hiện nay toàn tỉnh có gần 2.600 mô hình, trong đó hơn 25% hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp - dịch vụ như trồng rừng, chăn nuôi gia súc và gia cầm, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, may mặc… Những năm qua, kinh tế hợp tác được xem là “bà đỡ” của nông dân trong việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho nông sản và đặc biệt là nâng cao chất lượng, số lượng hàng hóa để đủ sức cạnh tranh, hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, bà Lê Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng, mấy năm gần đây mặc dù tỉnh đã có rất nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy lĩnh vực kinh tế hợp tác phát triển nhưng nhìn chung ở hầu hết địa phương mô hình này vẫn chưa phát triển một cách đồng đều. Nhiều HTX thiếu chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa thực sự trở thành tổ chức kinh tế góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hầu hết HTX đều cần vốn đầu tư mua sắm máy móc hiện đại.Ảnh: ĐÔNG NHI
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, hầu hết HTX đều cần vốn đầu tư mua sắm máy móc hiện đại.Ảnh: ĐÔNG NHI

Có rất nhiều lý giải cho sự yếu kém của lĩnh vực kinh tế HTX hiện nay. Không ít ý kiến nhìn nhận rằng, việc các HTX sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiết bị máy móc cũ kỹ… và đội ngũ cán bộ quản lý rất thụ động trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nhà nông được xem là những nguyên nhân cơ bản khiến việc hoạt động của mô hình này còn quá nhiều hạn chế, chưa thu hút được đông đảo nông dân tham gia. Bên cạnh đó, vấn đề ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất cũng lắm khó khăn. Đặc biệt, sự liên kết giữa “4 nhà” (nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) còn rất lỏng lẻo, dẫn đến người dân phải “tự bơi” trong biển lớn của cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, năng lực của phần lớn cán bộ ở các HTX chưa bắt kịp với xu thế phát triển, nhất là khả năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu của thị trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Bà Lê Thị Minh Tâm nói: “Có thể khẳng định, những năm qua, việc không có đội ngũ cán bộ quản lý giỏi đã dẫn đến tính tự chủ của các HTX chưa cao, phụ thuộc chủ yếu vào chính quyền, ngay cả phương án sản xuất kinh doanh”.

Hiện nay, chỉ có sản phẩm của HTX rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) bày bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.
Hiện nay, chỉ có sản phẩm của HTX rau sạch Mỹ Hưng (xã Bình Triều, Thăng Bình) bày bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.

Nâng cao năng lực   hoạt động

Chưa vào siêu thị vì thiếu hồ sơ pháp lý
Theo tìm hiểu, thời gian qua tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 2 tấn rau củ quả và trái cây. Thế nhưng, hầu hết nguồn cung cấp chính được nhập về từ Đà Lạt và các tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ, chỉ một phần nhỏ do HTX rau sạch Mỹ Hưng ở xã Bình Triều (Thăng Bình) cung ứng. Vì sao toàn tỉnh có đến 135 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp nhưng Co.opMart Tam Kỳ chỉ hợp tác với một HTX rau sạch Mỹ Hưng? Lý giải điều này, bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, khó khăn lớn nhất khiến siêu thị chưa thể nhận những nguồn cung ứng khác ngoài HTX rau sạch Mỹ Hưng là thiếu hồ sơ pháp lý. Bà Lai nêu ví dụ về sản phẩm lòn bon của huyện Tiên Phước. Rằng, mặc dù phía địa phương cũng như siêu thị rất muốn đưa sản phẩm này vào bày bán, giới thiệu tại siêu thị Co.opMart nhưng đến nay vẫn chưa làm được vì lý do cơ bản là sản phẩm chưa đảm bảo những thủ tục pháp lý cần thiết.
Theo bà Lai, để đón nhận một sản phẩm vào kinh doanh trong hệ thống Co.opMart, cần phải thực hiện 3 giai đoạn, đó là kiểm tra thông tin đầu vào, khảo sát nhà cung cấp và kiểm soát trong quá trình kinh doanh. Đặc biệt là quy trình kiểm tra đầu vào, nhà cung cấp phải có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy đăng ký nhãn hiệu hàng hóa… Vì thế mà có những mặt hàng siêu thị có nhu cầu kinh doanh nhưng do thiếu hồ sơ pháp lý nên quá trình tiến hành hợp tác gặp khó khăn, đôi khi không thể thực hiện được. Để đưa sản phẩm vào kinh doanh tại siêu thị Co.opMart, bà Lai cho biết bên cạnh thủ tục pháp lý như đã nói trên thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác, HTX, nông trại, hộ nông dân… cần có cam kết về số lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn hợp quy hoặc tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không thu gom các nguồn hàng không đạt tiêu chuẩn hoặc không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, các công ty, cơ sở sản xuất cần quan tâm đầu tư sản phẩm bao bì, nhãn hiệu phù hợp; chất lượng hàng hóa phải ổn định xuyên suốt trong quá trình hợp tác để bảo đảm cung - cầu lâu dài và giữ uy tín thương hiệu cho hai bên là siêu thị và nhà cung cấp.

Thực tế cho thấy, nếu nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì khó có thể phát triển và phát triển một cách bền vững được vì chất lượng, số lượng sản phẩm hàng hóa của họ không đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường ngày càng khó tính. Và ngược lại, nếu tập trung sản xuất theo mô hình tổ hợp tác và HTX thì người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Trước hết là ý thức trách nhiệm của mỗi người được nâng lên trong việc liên kết làm ăn với nhau theo khuôn khổ chứ không phải tùy tiện, thiếu bài bản như lâu nay. Cùng với đó, nông dân sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về thị trường, được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và đặc biệt là được tiếp sức trong vấn đề lo chuyện đầu vào, đầu ra của sản phẩm nên giá thành ổn định, không phụ thuộc vào sự định đoạt của tư thương. Bà Tâm nhìn nhận: “Trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, chỉ có liên kết lại mới có thể có khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường”.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, nhiều ý kiến cho rằng mấu chốt của thúc đẩy HTX phát triển là phải tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của HTX. Vì muốn hội nhập tốt, muốn hỗ trợ nông dân tốt thì bắt buộc năng lực HTX phải tăng lên. HTX phải là đơn vị kinh tế dẫn dắt, trợ giúp cho hộ nông dân. HTX không chỉ tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao, an toàn… mà còn là đối tác về mặt kinh tế để thay nông dân kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường. Ở Quảng Nam, vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh tổ chức một hội thảo để khởi động dự án “Nâng cao năng lực kinh doanh cho HTX nông nghiệp”, do Tổ chức Hỗ trợ phát triển Hà Lan (Agriterra) tại Việt Nam tài trợ. Được biết, Quảng Nam là một trong 3 địa phương được chọn để thực hiện dự án này từ tháng 8.2016 đến năm 2018. Theo đó, sẽ có 3 HTX trong tỉnh được chọn để triển khai thực hiện thí điểm dự án. Mục tiêu chính là góp phần làm cho nông dân tin tưởng vào HTX và các tổ chức kinh tế tập thể, qua đó sẵn sàng tham gia trở thành thành viên HTX. Trước mắt, dự án sẽ hướng đến việc tăng cường nhận thức, hiểu biết của đội ngũ cán bộ lãnh đạo hội nông dân các cấp, chính quyền các địa phương, những bên liên quan và hội viên nông dân về HTX cũng như lợi ích mà HTX mang lại. Tiếp đến là xây dựng năng lực tiếp cận thị trường theo chuỗi giá trị cho các HTX, tổ chức kinh tế tập thể và tăng cường năng lực cho cán bộ, lãnh đạo hội nông dân trong việc cung cấp các dịch vụ cho HTX, tổ hợp tác…

Sau khi việc triển khai thí điểm thành công, các cơ quan có trách nhiệm sẽ tập trung mở rộng ra nhiều HTX khác. Hy vọng rằng dự án này sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với các HTX nông nghiệp.

MAI NHI - ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO